Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Vua Gia Long từng bắn súng 'thiện nghệ'

Thông qua một người nước ngoài, chúa Nguyễn Ánh (lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long) đã nhờ mua 10.000 súng điểu thương. Khi lâm trận, chúa sử dụng khẩu súng này và được cho là "bắn đâu trúng đó".

Bộ sử Quốc triều chính biên toát yếu do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, viết: “Tháng 3, năm Nhâm Dần, năm thứ 3 (năm 1782, tính từ năm Nguyễn Ánh lên ngôi vương ở Gia Định), quân Tây Sơn chiếm lấy Sài Gòn. Lúc lâm trận, ngài (chúa Nguyễn Ánh) bắn súng điểu thương hay lắm, bắn đâu trúng đó”.

Hình minh họa: Vua Gia Long mặc võ phục. Tranh bìa tiểu tuyết Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử.
Sau khi đánh tan quân Tây Sơn và lên ngôi Hoàng đế, khẩu súng điểu thương của vua Gia Long được lưu giữ để làm kỷ niệm. Sách Quốc triều chính biên toát yếu viết tiếp: “Khẩu súng của ngài, đến triều Minh Mạng, được phong là Võ công lương khí, được tống tàng cùng áo nhung nón chiến của ngài ở trong điện”.

Sau cuộc khởi nghĩa bất thành của vua Hàm Nghi năm 1885, quân Pháp chiếm giữ kinh thành và cướp đi rất nhiều vàng bạc châu báu cũng như kỷ vật của triều Nguyễn. Sau này, đến khi vua Đồng Khánh lên ngôi, trong danh sách châu báu, cổ vật quân Pháp trả lại cho triều Nguyễn, liên quan đến vua Gia Long chỉ có nén vàng làm tin mà nhà vua giao cho Thừa Thiên Cao hoàng hậu Tống Thị Lan khi chia tay ở đảo Phú Quốc, khẩu súng điểu thương không còn tông tích.

Súng điểu thương thế kỷ 18.
Theo Việt sử khảo luận, súng điểu thương cò bằng đá lửa, bắn xa độ 250 đến 300 thước. Muốn bắn, xạ thủ phải lấy thuốc súng (đựng trong một cái bao mang ở nịt lưng) bỏ vào nòng, dùng cây thông nòng nén thuốc vào cho chặt rồi bỏ viên chì (đựng ở cái bầu mang ở cổ) rồi bóp cò cho viên đá nảy lửa làm cháy thuốc ngòi. Nhiều khi bóp cò, đá lửa không bật lửa, người bắn lại phải tháo ra nhồi lại tốn hơn gấp đôi thời giờ.

Người ta giải thích súng mang tên điểu thương vì nóng súng dài và có lắp đầu nhọn như cái giáo (thương), còn đầu cò bật vào đánh lửa để khai hỏa trông như cái đầu chim (điểu).

Gọi là súng điểu thương vì súng có mỏ cò như mỏ chim (điểu), và nòng súng có đầu nhọn như mũi giáo (thương).
Tuy là loại vũ khí đã lạc hậu ở châu Âu (thông dụng từ thế kỷ 17), nhưng súng điểu thương với các nước châu Á đến thế kỷ 18 vẫn tỏ ra rất hữu dụng trong chiến đấu. Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, năm 1791 Nguyễn Ánh đã thông qua một người nước ngoài tên là Budinonhi gửi mua tại Bồ Đào Nha 10.000 súng điểu thương, 2.000 cỗ súng gang mỗi cỗ nặng một trăm cân, 2.000 viên đạn nổ đường kính 10 tấc. Trong các cuộc giao chiến với Tây Sơn sau này, Nguyễn Ánh toàn dùng loại vũ khí này.

Đến thời vua Minh Mạng, mỗi vệ (500-600 lính) có 2 khẩu thần công và 200 khẩu thạch cơ điểu thương với tỷ lệ 4 tay súng cho mỗi 10 lính. Sang triều Tự Đức, số vũ khí đã sa sút; mỗi đội (50 lính) có 5 khẩu điểu thương. Nguyên nhân là các nước phương Tây đã không còn sản xuất loại súng này nữa. Các loại súng trường nòng có rãnh xoắn đã ra đời, với uy lực sát thương rất mạnh, cũng như tầm bắn xa, giúp quân đội các nước phương Tây tăng thêm sức mạnh.

Theo sách Việt sử khảo luận của tác giả Hoàng Cơ Thuy, hàng năm quân đội thời vua Tự Đức tập bắn chỉ một lần và mỗi tay súng chỉ có quyền bắn 6 viên đạn. Ai bắn hơn số ấy phải bồi thường. Do đầu tư trang thiết bị thiếu và yếu, đến thời vua Tự Đức, quân đội nhà Nguyễn đã không thể chống cự nổi trước cuộc xâm lăng của quân đội Pháp, dẫn đến những thất bại ở miền Trung, sau đó là Nam Bộ, rồi phải chấp nhận chế độ bảo hộ của Pháp trên đất suốt 80 năm.

Lê Tiên Long

(VnExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét