Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Dấu nghìn năm nhìn từ cửa ô

Từ sân bay Nội Bài vào nội thành Hà Nội, tuyến đường Phạm Văn Đồng – Xuân Thủy – Cầu Giấy là đường giao thông chính. “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”. Tính kiểu gì, thì Cầu Giấy cũng là một trong những cửa ô quan trọng của kinh thành Thăng Long.

Đầu tháng 9/2014, ngành Giao thông Hà Nội đem cột, tôn ra rào đường Xuân Thủy để làm công trường xây nhà ga đường tàu điện Nhổn – Ga Hà Nội, lập tức giao thông qua đoạn này rối loạn.

Lúc đầu, ngành giao thông cấm xe ô tô đi vào đường này, bắt vòng ra chùa Hà. Nhưng rồi không ổn, lệnh cấm lại được dỡ bỏ. Đường Xuân Thủy – Cầu Giấy lúc nào cũng là tuyến giao thông huyết mạch của Hà Nội, cũng như ô Cầu Giấy luôn được kể tên sánh cùng với những cửa ô Đống Mác, Đồng Lầm, Yên Phụ, Thanh Hà…

Dấu xưa

Cái tên Cầu Giấy gợi nhớ đến một nghề thủ công truyền thống của vùng ngoại ô xưa - nghề làm giấy. Nghề này còn gắn với câu ca dao nổi tiếng "nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ", tiếng chày giã bột làm giấy của cả một vùng dân cư quanh chợ Bưởi.

Nghề làm giấy thủ công ở Bưởi bây giờ đã mai một, nhưng ở các địa phương khác, nghề giấy may mắn vẫn còn giữ được, để làm ra những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống hay để sao chép những bức sắc phong cổ, phục vụ nhu cầu bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

Ít người biết rằng cây Cầu Giấy xưa kia là một dạng cầu - quán kết hợp (thượng gia hạ kiều - cầu có mái ngói che như nhà). Văn bia "Trùng tu Tô Giang kiều bi ký" (bia ghi việc chữa cầu Sông Tô) dựng năm Vĩnh Trị thứ tư đời Lê Thần Tông (1679) viết: "Cầu dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời thu hòa cùng non cao nước biếc".

Dạng cầu có mái này bây giờ chỉ còn lại mấy chiếc như ở chùa Cầu ở Hội An, chùa Thầy ở Quốc Oai, cầu ngói Thanh Toàn ở Huế và một vài chiếc ở khu Kim Sơn, Phát Diệm (Ninh Bình). Người xưa, khi thiết kế những công trình công cộng, đã có ý thức nghĩ đến công năng phục vụ cộng đồng.

Cầu không chỉ là phương tiện qua sông mà còn có mái để người dân tránh mưa, trú nắng. Cầu Giấy là cây cầu - cửa ô nên cũng được thiết kế để khách bộ hành từ miền Tây "lai Kinh" có thể dừng chân dùng miếng trầu bát nước, "tẩy trần" nghỉ ngơi trước khi bước chân vào chốn kinh kỳ đô hội.
Gần đường Xuân Thuỷ, có một con nhỏ mang tên Đồng Bông. Cũng ít người biết cái tên này có từ thời nhà Lý. Đó là chuyện Lý Thánh Tông (1023-1072) cầu tự.

Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ, quyển 3) chép: Năm Quý Mão (1064), Vua muốn có con trai, sai chi hậu nội nhân Nguyễn Bông đem hương đi cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hoá (chết và cho hồn đầu thai ngay vào kiếp người khác), Bông nghe theo. Việc ấy bị phát giác, Vua sai chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông.

Đường mang tên món quà dân dã: Cốm Vòng.Đường mang tên món quà dân dã: Cốm Vòng.

Chùa Thánh Chúa, nay vẫn nằm trong khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cứ như truyện Lý Thánh Tông cầu tự nói trên, thì chùa có từ trước năm 1064. Sau sự kiện cầu tự cũng như vụ án Nguyễn Bông, Ỷ Lan phu nhân có mang rồi sinh ra Hoàng Tử, sau là vua Lý Nhân Tông. Chùa cũng là nơi sang triều Lê, vua Thánh Tông ở ấn khi còn nhỏ, lúc có sự biến Nghi Vân làm loạn, sau vua mới được Đinh Liệt và Nguyễn Xí rước về. Hiếm có ngôi chùa nào gắn với sự tích vua của hai triều đến vậy, nên tên chùa Thánh Chúa quả cũng không sai.

Đến đời Lý Nhân Tông, vua cũng không có con trai, đến 61 tuổi thì mất, truyền ngôi sang Lý Thần Tông (con trai của em ruột Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu). Trong dân gian nảy sinh truyền thuyết Thần Tông chính là pháp sư Từ Đạo Hạnh đầu thai. Những di tích quanh Hà Nội như Chùa Thầy (Sài Sơn, huyện Quốc Oai) hay Chùa Láng đều gắn với nhà sư huyền bí này.

Hết đường Đồng Bông, ta còn bắt gặp một con đường của làng nghề Hà Nội: đường Cốm Vòng. Ở Hà Nội, chỉ có vài con đường được đặt tên món ăn (như Phố Chả Cá, vốn là phố Hàng Sơn xưa), ấy thế mà cốm Vòng, cái món quà vừa dân dã vừa thanh tao nay đã được ghi tên trên bản đồ Thủ đô.
Cốm là món ăn độc đáo làm từ hạt lúa non, sản phẩm của nền nông nghiệp lúa nước hàng nghìn năm của dân tộc. Ở Hà Nội, cốm làng Lủ (Đại Kim) và làng Vòng (dịch Vọng) là ngon hơn cả. Bây giờ, vẫn thấy những xe đạp đèo cái thúng quây lá sen hồ Tây chở cốm từ làng Vòng đi ra, nhưng đi ngay bên cạnh, không ngửi thấy mùi thơm lừng của nếp non nữa. Nay, đâu như chỉ còn vài nhà làm cốm giã bằng chày như xưa.

Cổng làng Cốm Vòng.Cổng làng Cốm Vòng.

Các phương tiện công nghiệp như máy ép giờ giúp làm các món ăn nhanh hơn, nhưng cũng góp phần làm hương vị của các đặc sản ấy mai một dần. Nhưng thôi, vốc một nắm cốm Vòng bọc trong lá sen, cho vào miệng nhai cùng miếng chuối tiêu trứng cuốc vẫn thấy được vị lúa sữa ngọt ngào, vẫn hương thu Hà Nội nhẹ nhàng toả đâu đây.

Đi qua Cầu Giấy, là đền Voi Phục, cũng một di tích được nhắc đến từ triều Lý, sử sách ghi đền được lập từ thời Lý Thái Tông (1028-1054). Đền thờ hoàng tử Linh Lang, con vua Thái Tông, hy sinh trên phòng tuyến chống quân Tống ở sông Cầu năm 1076, được dân thờ như thành hoàng của làng Thủ Lệ, rồi đền trở thành một trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long, trấn hướng Tây cho kinh đô.

Đền Voi Phục, trấn Tây trong Thăng Long tứ trấn.Đền Voi Phục, trấn Tây trong Thăng Long tứ trấn.

Đoạn Cầu Giấy cũng ghi dấu ấn những ngày đầu quân dân Hà Nội cùng với quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc kháng chiến chống quân Pháp xâm lược những năm cuối thế kỷ 19, với những trận phục kích giết chết Đại úy Francis Garnier (1873) và đại tá Henri Rivière (1882). Mộ Garnier vẫn còn dấu tích ở gần Bưu điện Cầu Giấy, nhưng di cốt của ông thực dân này đã được đưa về Pháp từ lâu.

Dấu nay

Bây giờ, nếu từ sân bay Nội Bài theo đường Phạm Văn Đồng về đến ngã tư giao đường Phạm Văn Đồng - Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu – Phạm Hùng để rẽ vào nội thành, đã gặp khu nhà Indochina Plaza hoành tráng nằm ngay đầu đường. Đối diện bên kia đường là khu quần thể đại học: Trường ĐH Quốc gia, ĐH Công nghệ, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm… xuống một chút là Học viện Báo chí và tuyên truyền, rồi đâm thẳng vào khu Trần Thái Tông, Trung Kính là ĐH FPT, ĐH Phương Đông. Nhiều trường thì nhiều sinh viên, nên đường phố cũ nay lúc nào cũng chật hẹp, đông đúc.

Năm 1076, Lý Nhân Tông cho xây dựng trường đại học đầu tiên để đào tạo hiền tài cho đất nước. Hơn chín trăm năm sau, Hà Nội đã có gần 70 trường đại học, học viện, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng. Cầu Giấy cũng là một trung tâm đại học có tiếng của thủ đô.

Trước đây tầm 10 năm, hình dung đi từ trung tâm thành phố lên Dịch Vọng là xa lắm. Hai bên đường Cầu Giấy, lúc đó hãy còn thưa thớt nhà cửa. Ấy thế mà giờ đây, theo hướng này, phố xá đã nối liền một mạch lên đến tận thị trấn Phùng, nhà cao tầng mọc lên san sát.

Đứng trên tầng cao của những ngôi nhà thuộc khu Cầu Giấy những hôm trời quang, có thể phóng tầm mắt tới 30-40km. Xa xa kia là dãy Ba Vì hùng vĩ. Thủ đô nay đã được mở rộng lên tận đó, con đường Đại lộ Thăng Long hiện đại nhất nước đã nối liền trung tâm thủ đô với Hòa Bình và đường Hồ Chí Minh. Đường quốc lộ 32 cũng đã được mở rộng, từ Cầu Giấy, chạy xe vài chục phút là đã đến chân núi Tản, Ba Vì.

Ngược lên phía Bắc, phía hai cây cột kéo dây điện cao thế vượt sông Hồng là dãy Tam Đảo, dưới chân núi là huyện Mê Linh, quê hương của Hai Bà Trưng. Chếch về phía Tây Nam là quần thể khu liên hợp thể thao quốc gia cùng những khu đô thị sầm uất Keangnam, The Manor, Sông Đà, Mỹ Đình mới hình thành trong vòng chục năm qua.

Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Hội nghị quốc gia nằm trên đường Phạm Hùng, phía trên là đường vành đai 3 nườm nượp xe cộ. Mười năm trước, đây chỉ mới là đường liên thônhai ôtô đi ngược chiều còn phải cố tránh nhau. Toà nhà Keangam vẫn sẽ là toà nhà cao nhất thủ đô trong nhiều năm tới. Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy những công trình đang ghi dấu ấn cho hàng trăm năm sau.

Nhìn vào nội thành, những tòa cao ốc lừng lững đang mọc lên xen kẽ là những khu dân cư cũ mái đỏ nhấp nhô. Hà Nội thật đặc biệt, trong dáng vẻ lộn xộn vẫn toát lên cái vẻ gì quyến rũ rất riêng.

Thành phố đang trong quá trình đô thị hoá nhanh đến chóng mặt. Năm 2007, khu tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy chỉ có lác đác vài doanh nghiệp. Thế mà bây giờ, dọc các đường Trần Thái Tông, Duy Tân, Tôn Thất Thuyết… những cao ốc văn phòng đã chen kín, với những tập đoàn - công ty công nghệ hàng đầu: FPT, CMC, Viettel, Hài hoà, Zodiac, Misa... Tất cả đều đang ngày ngày nỗ lực đóng góp công sức làm giàu cho thủ đô. Mỗi buổi trưa, từ những tòa nhà văn phòng, hàng ngàn, hàng vạn nam thanh nữ tú kéo xuống các cửa hàng, quán xá ven đường đông nghịt. Hiếm có nơi nào tập trung “dân văn phòng” đông như ở đây.

Phố Duy Tân tập nập người xe, là trụ sở của nhiều công ty, tập đoàn lớn.Phố Duy Tân tập nập người xe, là trụ sở của nhiều công ty, tập đoàn lớn.

Tuy những nghề thủ công truyền thống, như nghề làm giấy của vùng Bưởi - Yên Thái, đã bị mai một theo thời gian, nhưng vào khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ, sẽ thấy có hàng loạt ngành nghề hiện đại đang được phát triển, như viễn thông, phần mềm, tích hợp hệ thống, truyền thông..., những ngành mà cách đây hai, ba mươi năm, có nói cũng khó ai hình dung ra.

Chiều thu về, mùi hoa sữa lan tỏa trên những con phố mới, đoàn xe suttlebus chục chiếc chở nhân viên FPT Software từ khu công nghệ cao Hòa Lạc về nối đuôi nhau đỗ lại ở góc phố Duy Tân. Từ những trụ sở các công ty công nghệ, hàng đoàn người hối hả lên xe trở về nhà sau một ngày làm việc. Nhờ nỗ lực của họ, Việt Nam đang ghi được tên mình trên bản đồ CNTT thế giới. Nhưng đến khi nào, Việt Nam mới có doanh nghiệp thật sự vươn lên tầm thế giới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và ngưỡng mộ, như Sony, Panasonic, Mitsubishi của Nhật Bản hay Samsung, LG của Hàn Quốc?

Lúc đó, chúng ta mới thật sự có được dấu ấn trăm năm, để sánh với những dấu ấn nghìn năm cha ông để lại.

Khu tiểu thủ CN và CN nhỏ Cầu Giấy nhìn từ nóc tòa nhà FPT. Ảnh: Đức Huy.Khu tiểu thủ CN và CN nhỏ Cầu Giấy nhìn từ nóc tòa nhà FPT. Ảnh: Đức Huy.

(Bài đăng trên Lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét