Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Sex và văn học Việt

Ấy là lúc đầu em định viết “Tính dục trong văn học VN”, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, “tính dục” nó rộng quá, thôi thì học nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường, cụ viết rõ ràng, mạch lạc “Sex và triều đại”, kể chuyện sex thông thường, đồng tính, bệnh hoạn, khác loài, loạn luân… được ghi nhận trong lịch sử VN, thì mình gói gọn chủ đề gọn gàng như vậy. Cũng chẳng phải là nghiên cứu gì đâu, chả là hôm nọ gặp một ông bạn cũng hay đọc văn học VN, nhắc đến “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” mà thôi. 

Tác phẩm văn học đầu tiên bạn đọc có “chuyện người lớn” là gì, có bạn nào còn nhớ không? 



Chứ phải đến khi đọc “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, mới được nhà văn Y Ban “hệ thống hóa” lại, từ “Đồi thông hai mộ”, đến “Vụ án thành Paris”, “Cô giáo Thảo”. Có lẽ, đây là lần đầu tiên cái tên “Cô giáo Thảo” lừng danh được đưa vào một tác văn học chính thống. Tức là, ít nhất, từ thời chị Y Ban, tác phẩm này đã có sức sống mãnh liệt trong giới thanh niên VN. Nên nhớ, “Bức thư” được sáng tác năm 1989. 

“Ai đã dạy mày như thế chứ?”, một câu hỏi ám ảnh. 

Mình chưa đọc “Vụ án thành Paris”, nhưng nghe các anh chị lớn kể nhiều về nó, nói chung cũng... lâm ly bi đát lắm. 

Nhưng thực ra, trước đó, cũng đã có nhiều tác phẩm khác có nói đến vấn đề ấy. Ngạc nhiên thay, lại chính là một cuốn sách tuyên truyền tố cáo “tội ác của Mỹ ngụy”, như Bất khuất (vừa đọc Đèn cù mới biết là Trần Đĩnh thực hiện theo lời kể của Nguyễn Đức Thuận). Đọc sách, người ta thấy bọn Mỹ ngụy vô cùng tàn ác, tù nhân nữ rơi vào tay chúng, nào là bị dùng chai Coca, dùng dùi cui… tống vào chỗ kín, rồi bị mấy tên ác ôn hiếp dâm, có cô còn bị hãm hiếp ngay trước mặt chồng… rất khủng khiếp.

Trước đó, có nhiều truyện ngắn khác có tả đến cảnh vợ lên thăm chồng trên đơn vị, sau đó miêu tả tác giả nằm phòng bên nghe bên kia giường kêu cót két, rồi hoặc anh bộ đội gặp vợ mà nóng vội quá, càng mở cái “xanh tuya” tàu nó càng thít vào (xanh tuya Tàu có cái con lăn ở giữa), cuối cùng đành phải giật đứt thắt lưng… Vẫn chưa truyện nào mô tả chi tiết xem người Việt sex với nhau dư lào.

Có lẽ, những tiếp xúc đầu tiên với là ở những truyện ngắn trên Văn nghệ khi bắt đầu “đổi mới”. Ví dụ, một truyện ngắn nổi tiếng “Người hùng trường làng” của Tạ Nguyên Thọ. Nhân vật là một anh giáo viên, xuất thân vốn tử tế, sống mờ nhạt, sau nhờ bạn bè xúi giục mới “đểu giả” dần, và mới bắt đầu trở nên có vai có vế. Truyện mô tả ảnh đèo cô đồng nghiệp trên đê, dừng lại thộp ngực cổ, từ đó mới được cổ yêu quý, coi ảnh là đàn ông đích thực.

Ngoài ra, ở những tiểu thuyết đình đám thời ấy, “chất đời thực” cũng đã được đưa vào nhiều dần, trong đó dĩ nhiên có cả sex, khiến nhiều tác phẩm thật sự có sức sống. Như “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường thì mô tả ông Hàm với bà Son khi ngủ với nhau thì ông có thói quen lấy ngón chân cái và ngón chân trỏ cặp chặt ngón chân cái bà, hay trong “Thời xa vắng” của Lê Lựu, khi Sài ngồi với Hương trên nóc điếm canh đê thì Sài đã được mở áo Hương ra tí toáy, bị phát hiện. Sau đó phải nhờ “mưu” của ông anh quan chức tố giác gã trộm chuối nhìn trộm đi lan truyền là đồ tư cách xấu, câu chuyện mới được ỉm đi.

Sau đó là thời kỳ vàng kim của truyện ngắn Việt Nam, với những cái tên như Nguyễn Huy Thiệp Nguyễn Thu Huệ, Tạ Duy Anh… kéo dài đến tận cuối những năm 90. Tần suất sex bắt đầu dầy dần lên trong các tác phẩm.

Ví dụ trong “Hậu thiên đường”, là cảnh ông thầy dạy thể dục bần tiện rủ cô học trò cấp ba vào quán café để sờ ngực, khiến mỗi lần nghe câu hát của Vũ Thành An “vạn người quen mấy người thân, đến khi lìa trần biết mấy người đưa” lại nhớ đến cảnh này. Hoặc “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh, tác giả mô tả thằng bé chăn trâu dẫn cô bạn gái xuống giao thông hào cũng vuốt ve “chũm cau”, tác giả mô tả vuốt bằng lưng bàn tay “như vuốt ve lông con mèo”, nghe thật êm ái.

Cũng của chị Thu Huệ, Mùa đông ấm áp, ám ảnh lại là chuyện hai anh chị yêu nhau mà… không làm gì. Anh kia có người yêu ra tận nơi thăm mà cứ lờ lớ lơ bỏ bê nàng đi với những trò vui khác, để nàng vò mõ chờ đợi. Nhưng ám ảnh nhất là câu nói của người mẹ: “Nếu nó biết mày mất trinh rồi thì sao…”.

Hoặc trong tác phẩm văn học được nhiều người đánh giá cao nhất trong văn học Việt, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, tác giả cũng mô tả cảnh đôi bạn trẻ vừa tốt nghiệp cấp ba âu yếm nhau ở sau nhà Bát Giác cạnh trường Chu bên Hồ Tây, và anh chàng trai trẻ vụng dại cũng chỉ mới biết khám phá có vòng một. Đến khi chàng đi lính, nàng nhảy lên tàu tiễn, câu chuyện đang hay thì bỗng máy bay Mỹ bỏ bom, đạo diễn đành phải cắt cảnh. Rồi khi chàng tìm lại được nàng thì hỡi ôi, nàng đã bị thằng khác nó… mất rồi. Đọc mà cảm thấy rất căm phẫn. Đặc biệt, tác giả mô tả sau đó nàng vẫn thản nhiên tắm dưới hồ sen, càng thấy bức xúc biết bao.

Riêng ông vua truyện ngắn Việt thời đổi mới Nguyễn Huy Thiệp thì còn bạo liệt hơn nữa. Truyện của ông có tần suất sex khá dày đặc. Từ tấm lưng trần của người phụ nữ bên cạnh anh lái xe đi ngang qua, đến canh Trương Chi vạch chim tè xuống sông, hay trong lời bà cụ già: “Ăn thì nó ngồi mâm trên, ngủ thì nó đè lên trên mình”. Hoặc như chàng thanh niên mới lớn từ thành phố về bị cô gái quê... cọ đùi ép ngực, chạy ngã ra ruộng mà cũng “trở thành đàn ông”… Trừ ông Thiệp, chưa thấy tác giả nào nói chuyện tương tự.

Đặc biệt, hiếm có nhà văn nào mô tả nhân vật sex bằng… tay nhiều như ông. Từ trên xe khách, hay trên đò, thể nào một nam một nữ ngồi cạnh nhau là kiểu gì lúc sau cũng có cảnh nhân vật nam… giấu một tay. Đến lúc rút tay ra toàn thấy dính “cái gì quăn quăn” hay “nhầy nhầy”. Ghê chưa?

Khá nhiều truyện ngắn mô tả cảnh sex với trẻ vị thành niên, như "Ngỗng non" của Lê Minh Khuê hay "Truyện tình trên cù lao Xanh" của Nguyễn Thành Long. Truyện của ông Thành Long ám ảnh hơn, khi để lại hậu quả, thế mà sau này, Cù Lao xanh còn trở nên nổi tiếng vì tác phẩm của ông.

Cũng chị Lê Minh Khuê, có "Lời chào ở ngưỡng cửa" khá ám ảnh. Một cô chịu làm bồ nhí cho một ông có vợ, thỉnh thoảng đến ngủ với nhau, xong rồi nàng tự động ra về với lời “chào ở ngưỡng cửa”: “Thôi, em về!”, làm nhiều khi nhìn thấy những hoàn cảnh tương tự, lại nhớ về cảnh này, nhớ cả câu hát nhạc Trịnh Công Sơn phổ thơ Trịnh Cung.

Có một tác phẩm trinh thám mà mình rất ấn tượng là “Lữ đoàn ma”, kể chuyện một nữ điệp viên “của ta” xâm nhập vào tổ chức phản động để hoạt động. Truyện này cho cô điệp viên bị chúng phát hiện, và trả thù bằng cách… hãm hiếp. Trong khi các tiểu thuyết khác đều có “James Bond” xuất hiện cứu điệp viên “ta” vào phút cuối cùng thì ở truyện này, James Bond xuất hiện chậm mất vài phút, thành ra xôi đã thành chè. Không liên quan nhưng đoạn cuối chuyện thì rất ly kỳ: James Bond dùng kiếm báu chém đứt song sắt như chém bùn, rồi cướp máy bay trực thăng đưa được nữ điệp viên bay thoát khỏi hang hùm nọc rắn.

Cũng một cảnh “chậm một phút” là một tiểu thuyết được đánh dấu “sách đen/sách cấm”, tên là "Đêm mờ sương", lại có tên khác là "Ân oán giang hồ" (giống kiểu Nỗi buồn chiến tranh còn có thêm tên là Thân phận tình yêu í). Có cảnh chị Y người yêu anh X bị thằng Z xâm chiếm, anh X lao vào chậm mất mấy giây.

Nhưng có lẽ truyện này bị cấm vì nội dung sau: Cô tiểu thư nọ thử nghiệm một thú vui quái đản: Thuê một bác người làm cao to đen hôi, hằng ngày đến nhà cho ăn uống no đủ, tắm rửa xà phòng sạch sẽ, xong rồi còn… lau cồn, rồi cho… xxx với mình. Đều như vắt chanh 7 ngày một tuần, 30 ngày mỗi tháng. Đến tròn bảy tháng hai trăm mốt ngày thì bác kia… lăn ra chết :) 
Còn các tiểu thuyết trinh thám khác như của Triệu Huấn hay Dương Hảo, các nhân vật đều hời hợt lắm. May ra có cảnh Dung và “tôi” trong Sao đen sau một thời gian dài ngủ riêng, cuối cùng cũng… ngủ cùng giường với nhau.

Nhân nói đến Lê Minh Khuê, nhớ đến dung mạo của chị là mấy cái răng cửa chìa ra. Có một nhân vật nữ cũng có răng vẩu như vậy trong "Lạc rừng" của Trung Trung Đỉnh, là cô y tá. Cô đang tắm suối thì anh bộ đội đi qua, cô liền… gọi xuống nhờ kỳ lưng. Thế là tèn tén ten. Nhưng anh Đỉnh mô tả họ làm chuyện ấy dưới nước không được, anh bộ đội phải bế cô y tá về võng loay hoay mãi mới tìm được thế. Chuyện này kết thúc bi thảm: Cô y tá bị biệt kích bắn chết, còn đóng cả cọc tre vào cửa mình.

Tô Hoài có lẽ cũng là người reo rắc khá nhiều sex trong tác phẩm của mình. Có mỗi ông là người tả hai người nam giới sex đồng tính với nhau thế nào. Còn trong Ba người khác, ông cho nhân vật của mình sex từ trang đầu đến trang gần cuối, như gà!

Trở lại với truyện được chị Y Ban nhắc ở đoạn đầu tiên. Hôm nọ vừa có trò “những cuốn sách mà bạn nhớ nhất” trên mạng, mới thấy có bạn còn ghi cả tên tác giả của danh tác Cô giáo Thảo. Nhớ hồi những năm 90, có nhiều người cứ khẳng định đây là một tác phẩm trước 75. Tuy nhiên, bản lưu truyền đó có nói đến công viên Lê Văn Tám, thì chẳng thể nào có trước 75 được.

Một cuộc thảo luận trên một diễn đàn quy tụ rất nhiều thanh niên trí thức, du học sinh ở nước ngoài đã đi đến kết luận: Tuy nội dung “đồi trụy”, nhưng đây là cuốn sách có giá trị rất lớn trong việc giáo dục giới tính cho cả một thế hệ thanh niên. (Cuốn sách được đánh giá xếp thứ 2 về giá trị là “Khám phá nguồn cảm xúc bản thân”, theo nghiên cứu thì nhà bạn gái nào cũng có).

Các vị tiền bối ngành internet VN kể lại, CGT cũng là trường hợp tác phẩm “văn học đưa lên mạng” đầu tiên được “cư dân mạng” khao khát đón đọc từng… trang một, hot hơn nhiều lần “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” mà Trang Hạ dịch và post khoảng chục năm sau.

Nói chung, với các thế hệ thanh niên 7x, 8x, thì chỉ cần “niệm” câu thần chú kiểu “Lần thứ nhất trong ngày thứ nhất” là cả nam lẫn nữ đã rúc rích cười, đỏ hết cả mặt lên rồi.

Thậm chí, có một cuộc thi tìm câu văn “nút thắt” trong các danh tác. Câu được nhiều người bình chọn chính là “Thế là chị em mình hiểu nhau rồi nhé!”.

1 nhận xét:

  1. Có vẻ như các trang mạng đã biên tập lại truyện Bức thư gởi mẹ Âu Cơ, mình không thấy đề cập đến CGT trong các truyện online nữa. Cảm ơn bạn đã làm 1 tổng kết hay ho.

    Trả lờiXóa