Sau khi nhảy dù chiếm lòng chảo Điện Biên tháng 11/1953, quân đội Pháp đã đưa tới nhiều khí tài phục vụ nhu cầu phòng thủ của tập đoàn cứ điểm, trong đó có các loại pháo, xe quân sự, đặc biệt là một đại đội xe tăng gồm 10 chiếc.
Xe tăng M24 được không vận từ Cát Bi (Hải Phòng) lên Điện Biên và lắp ráp ngay tại sân bay Mường Thanh. |
Đây là loại tăng chiến đấu hạng nhẹ, nặng 18 tấn, trang bị pháo 75mm. Ngoài ra, có một súng máy Browning 12,7 mm trên nóc tháp pháo và hai súng máy 7,62 mm. Xe dài 5,56 m (bao gồm cả chiều dài pháo chính), cao 2,77 m và rộng 3 m. Toàn thân xe được bọc giáp dày 9-25 mm. Mỗi kíp xe theo tiêu chuẩn có 5 người.
Mười chiếc xe tăng này được tháo rời và không vận từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) tới sân bay Mường Thanh và lắp ráp ngay tại tập đoàn cứ điểm.
10 chiếc tăng được biên chế thành đại đội số 3, thuộc trung đoàn kỵ binh hạng nhẹ số 1 (3/1 RCC), với một xe chỉ huy và 3 phân đội, trong đó phân bổ cho phân khu Mường Thanh 2 phân đội (6 xe), và phân khu phía Nam (Isabelle - Hồng Cúm) 3 xe. Chỉ huy đại đội là đại úy Yves Hervouët.
Xe chỉ huy mang tên Conti. Ảnh: Anciens-cols-bleus.net |
Theo cuốn sách "The Last Valley" (Thung lũng cuối cùng) của tác giả Martin Windrow thì chiếc xe chỉ huy đại đội mang tên Conti, hai phân đội tăng ở phân khu Mường Thanh được chia thành phân đội Bleu (Xanh dương), gồm các xe Bazeille, Douaumont, Mulhouse và phân đội Rouge (Đỏ): Ettlingen, Posen, Smolensk. Phân đội tăng đóng tại Hồng Cúm mang tên Vert (Xanh lá cây), gồm 2 xe tăng mang tên Ratisbonne và Neumach.
Chiếc xe tăng chỉ huy được đặt là Conti, lấy từ tên tiểu đoàn 3 trung đoàn kỵ binh hạng nhẹ số 1 - Régiment Conti Cavalerie.
Các tên Bazeille, Ettlingen, Posen, Smolensk, Auerstaedt, Ratisbonne, Neumach là do những người lính Lê dương gốc Đức đặt để tưởng nhớ những địa danh ở quê hương. Bazeille là thị trấn ở miền Nam nước Pháp, Etlingen là một thị trấn ở Tây Nam nước Đức, Posen là một làng ở Ba Lan nhưng thuộc nước Phổ (Đức), còn Smolensk ở miền Tây nước Nga.
Trong cuộc chiến tại Điện Biên, đại đội xe tăng này đã gây rất nhiều khó khăn và thiệt hại cho quân đội Việt Nam. Như trong trận đánh đồi Độc Lập, ngày 15/3, quân Pháp mở cuộc phản công dưới sự chỉ huy của Trung tá Pierre Langlais, chỉ huy trưởng phân khu trung tâm thay cho Trung tá Jules Gaucher vừa tử trận, huy động 2 tiểu đoàn dù, tổng cộng 1.000 lính và tới 5 xe tăng, nhưng đang tiến quân thì bị nã pháo trúng đội hình nên bị đẩy lùi.
Xe tăng M24 hoạt động trên cánh đồng Mường Thanh. |
Sau này, khi quân ta phát huy hiệu quả của súng không giật (DKZ) đạn lõm, lần lượt từng chiếc xe tăng của Pháp đã bị tiêu diệt.
Trong trận đánh đồi A1, sáng 1/4, quân Pháp cho 2 xe tăng từ phân khu trung tâm lên phản công, các chiến sĩ đại đội 674, tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, đại đoàn 316 dùng DKZ bắn cháy một chiếc, chiếc còn lại bị thương phải bỏ chạy. Chiếc xe bị bắn cháy mang tên Bezeille, hiện được trưng bày trên đồi A1.
Xác chiếc xe Bezeille bị bắn cháy trên đồi A1. Ảnh: Người lao động. |
Đại tá Hoàng Đăng Vinh, nguyên chiến sĩ đại đội 360, tiểu đoàn 130, trung đoàn 209, đại đoàn 312, người tham gia tổ chiến đấu đã xông vào hầm bắt sống tướng De Castries, kể lại: “Trong quá trình tiến vào trung tâm, các đồng đội của tôi nhìn thấy trước mặt có một ụ đất nhô lên khá cao, xung quanh là 4 chiếc xe tăng chạy vòng tròn. Đang không biết là gì thì tổ bắt được một tên địch, sau khi tra hỏi hắn khai đó là hầm của tướng De Castries. Mừng rỡ khi biết thông tin đó, tổ của tôi liền tung thủ pháo đón đầu khiến một xe tăng trúng đạn rơi xuống giao thông hào, một chiếc khác bị đơn vị bạn tiêu diệt, hai chiếc còn lại liền tháo chạy".
Kết thúc trận Điện Biên Phủ, Việt Minh đã tiêu diệt 8 xe tăng địch, và thu được 2 chiếc còn nguyên vẹn. Những chiếc xe tăng chiến lợi phẩm này đã tham gia vào đoàn quân duyệt binh mừng chiến thắng ngày 13/5 trên cánh đồng Mường Phăng. Hình ảnh những chiếc xe tăng này, với những chiến sĩ Việt Nam hân hoan mừng chiến thắng bên trên và cắm cờ “Quyết chiến quyết thắng” đã được nhà quay phim Roman Carmen ghi vào trong bộ phim tài liệu nổi tiếng “Việt Nam” của ông.
Vợ chồng Đại đoàn phó Cao Văn Khánh chụp ảnh cưới trên xe tăng bị bắn cháy tại Mường Thanh. |
Sau này, các xe tăng M24 chiến lợi phẩm từ chiến trường Điện Biên đã được quân đội dùng trong công tác huấn luyện hiệp đồng binh chủng.
Lê Tiên Long
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/10-chiec-xe-tang-tren-chien-truong-dien-bien-2986903.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét