Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Đêm buồn phố thị (3)

Đêm nằm lại nhớ về thị xã nhỏ bé thân yêu.

Tại sao thị xã Thanh Hóa lại chỉ có Bách hóa tổng hợp số 2 (đường 1) và số 3 (đối diện sân Ba lít)? Liệu có số 1 không nhỉ?

Tại sao chỉ có đồn công an số 3 (chính là công an phường Ba Đình, lúc đó ở ngã ba Lê Hoàn – đường 1, trước khi chuyển về đoạn đối diện công viên thiếu nhi ở đường Lê Hoàn) và đồn 5 (công an thị xã ở đường Lê Lợi, đối diện dãy bách hóa Bông Vải Sợi và Đồng hồ Việt Đức, trước khi chuyển về bùng binh Trường Thi như hiện nay). Có các đồn công an số khác không?

Còn nhớ ở ngã ba đường Lê Lợi và Cao Thắng là một hiệu ảnh nổi tiếng. Dưới Cầu Bố hồi đó cũng có hiệu ảnh Nguyễn Duy, nhiều người nhầm ông với nhà thơ tác giả “Tre Việt Nam”.

Dãy hiệu sách nhân dân, năm 1990 tự dưng xác định cây đại trước hiệu sách là “nơi Hồ Chủ tịch đứng nói chuyện với nhân dân thị xã năm 1946", thế là đặt bia kỷ niệm, nhân dân thắp hương nghi ngút. Sau các cụ xác định bảo không phải, thế là dỡ tấm bia đi, rồi mới xây nhà tưởng niệm phía đối diện.

Phố nhà bạn Hoai An Le có hai hàng đánh bóng bàn, trong đó có nhà bà Đào người Nghệ An. Mình tu luyện ở đây từ nhỏ nên mặc dù không được học bóng bàn cơ bản, nhưng biết đánh, đặc biệt tập được môn “toàn thủ”, những bạn không học bóng bàn tử tế sẽ không thắng được mình!

Nhớ những thợ kẻ vẽ pano quảng cáo phim ở rạp Hội An: Đầu tiên họ dùng bút chì phóng phác thảo từ tranh bằng bàn tay lên tường rạp hát, rồi dùng bút đen vẽ các nét chính, sau đó vẽ chi tiết rồi tô màu, cuối cùng kẻ tên phim, tên diễn viên.

Nhớ hồi lớp 3-4, họ vẽ pano một bộ phim có hai nhân vật Tây, một người đeo nơ, một người đeo cà vạt, Minh bom bơ cứ tranh cãi: “Thằng nào phe ta, thằng nào phe giặc”.

Nhớ lúc họ kẻ pano phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, là hình anh Tiến Hợi ngồi trên một tảng đá, trước bãi biển, cầm một quyển sách trên tay.

Phố Lê Hoàn lúc nào cũng là trung tâm của mọi sự buôn bán, nhưng có lẽ nét đáng nhớ nhất là đoạn Lê Hoàn từ Triển lãm lên đến bách hóa 3. Đó là thời những năm 88-89, quan hệ với Trung Quốc bắt đầu bình thường dần, hàng Trung Quốc về tràn ngập Thanh Hóa, và được bán ở hàng trăm lều quán dọc đoạn đường Lê Hoàn này. Bạt ngàn từ chăn con công, bát hoa hồng, đĩa sứ, đến các loại tranh, ảnh… khác, Không nhớ là đến năm bao nhiêu thì dãy lều quán này biến mất.

Hồi xưa bệnh viện sản Thanh Hóa đóng ở trên khu nhà dòng trên Ngã ba Bia bây giờ, mình được sinh ra ở trên đó. Sau Trung Quốc giúp xây dựng bệnh viện sản ở dưới Voi, nhưng đang xây dở thì xảy ra đánh nhau, Trung Quốc rút hết chuyên gia công nhân về nước, thì bệnh viện trơ bê tông cốt thép, phải đến tận năm 1983 mới xây tiếp. Hồi đó còn nhớ vụ cần cẩu gạt một cô công nhân trên tầng 4 xuống đất chết luôn.

Sau khi bệnh viện sản chuyển đi, thấy các trường dạy nghề chuyển vào đó. Lúc đó cũng mới biết bảo tàng Thanh Hóa ở đây, có vào xem trống đồng mấy lần. Hồi ngư dân Hậu Lộc bắt được con hải cẩu năm 1990, đem về trưng bày ở đây.

Nhân nói về triển lãm, nhớ những lần triển lãm thành tựu kinh tế xã hội năm 1985. Đông vui nhộn nhịp thế. Nhớ nhất là những sản phẩm mỹ nghệ làm bằng vỏ dừa và vỏ ốc đồi mồi. Còn những lần triển lãm mỹ thuật thì mô típ quen thuộc của các họa sĩ là “tình hữu nghị Việt Xô”, thậm chí có cả hình kiểu áp phích vẽ một người lính hồng quân thời thế chiến 1 và một chiến sĩ Việt Minh, rồi mô típ “chân dung chuyên gia Liên Xô”.

Hồi đó chơi với 2 bạn cho thuê truyện: Nhà Toàn Apollo và nhà Đặng Hải Hà, thường dụ các bạn đổi tranh vẽ để được đọc truyện. Cặp mình lúc nào cũng đầy giấy trắng để làm bài kiểm tra: Các bạn đổi giấy trắng lấy tranh mình vẽ. Hồi đó hình như 200 đồng/thuê đọc 1 quyển truyện tranh thì phải. Và mình đọc hết toàn bô truyện tranh, truyện chữ ở nhà 2 ông này.

Tây Du Ký thì mượn của Trinh Hung Tu. Từ lớp 6 chơi với Huy thì cũng đọc gần hết tủ truyện nhà chịLê Hương Giang. Hồi đó Tây Du, Tam quốc ra các bộ truyện tranh trước, theo bản in của NXB Mỹ thuật Bắc Kinh, những "Ba lần đánh Bạch Cốt tinh", “Lửa thiêu Tân Dã”, “Thủy chiến Bàng Đức”, vẽ rất đẹp… rồi mới tới bộ Tam quốc 8 tập của NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Phan Kế Bính dịch.

(Ảnh: Chùa Hội quán, hồi trước NXB Thanh Hóa đặt ở đó. Hay ra cửa hàng sách báo ở mé trái để mua báo TTVH, thời hoàng kim của báo).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét