1. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Thái Tổ ngay sau khi lên ngôi đã xuống chiếu quy định về việc ban hành văn bản: “Nếu quân hay dân có dâng thư nói việc gì thì phải theo đúng quốc hiệu (Đại Việt), đô hiệu (tên kinh đô – Đông Kinh), niên hiệu như trong chiếu thư, ai trái thế thì phải xử phạt trượng hay biếm chức; những giấy tờ, văn khế, khoán ước về mua bán, đổi chác, vay mượn mà không theo đúng như trong chiếu thì sẽ không có giá trị”.
Đến đời Lê Thánh Tông, năm 1468, nhà vua đã chỉ thị cho bộ lễ bàn định quy cách giấy tờ trong dân gian để ban hành trong cả nước. Đến tháng 7 năm Tân Mão (1471), vua cho ban hành thể thức bản đồ và văn khế, có hiệu lực thi hành từ ngày mồng 10, tháng giêng năm sau, sau ngày đó nếu ai không tuân theo thì cho là không hợp lệ.
Đến triều Nguyễn, Đại Nam thực lục ghi: Tháng 2 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long đặt quốc hiệu là Việt Nam, ngày Đinh Sửu, vua xuống chiếu bố cáo trong ngoài rằng: “Đế vương dựng nước trước hết phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ sự nhất thống… sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh trời, nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay kính cáo thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta, việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.
Năm 1838, sau khi quyết định đổi tên nước thành Đại Nam, Minh Mạng đã ra sắc chỉ nhấn mạnh: “Việc ghi quốc hiệu lên văn bản là vấn đề hệ trọng có liên quan đến quốc thể, từ nay quốc hiệu phải gọi là Đại Nam, mọi văn bản, giấy tờ đều phải ghi như vậy”.
2. Các văn bản thời phong kiến đều phải ghi niên hiệu. Ví dụ: Thuận Thiên năm thứ nhất (1428, Lê Thái Tổ), Gia Long năm thứ ba (1805), và ngày tháng ban hành. Thời Lê Thánh Tông, có nhiều quy định về ký văn bản được ban hành. Năm 1446, vua quy định: “Văn bản của các nha môn nếu chánh quan khuyết hoặc đi vắng thì quan tá nhị thay giữ ấn tín của nha môn ấy ký tên ở dưới chỗ đề năm tháng”. Năm 1478, Thánh Tông định lệ ký tên cho người đứng đầu các nha môn: “Các bản tâu và mọi giấy tờ việc quan, quan thủ lĩnh các nha môn ký tên vào cuối tờ giấy…”.
Năm Hồng Đức thứ 14 (1483), ra sắc chỉ rằng: “Kể từ nay, sáu bộ có bản tâu và hết thảy công văn các việc đều phải ký tên ở cuối tờ giấy như các quan kinh lịch và thủ lĩnh thừa ty ở các xứ”. Năm 1484 lại ra quy định: “Các bản tâu và đề của các quan viên trong ngoài thì chính viên quan phụ trách phải ký tên, không được sai lại viên viết chữ ký thay”. Như vậy, văn bản bắt buộc phải có chữ ký của người có thẩm quyền và đúng chỗ.
Triều Nguyễn đã thừa kế các quy định về ký văn bản của triều Lê, đồng thời đã đề ra một số quy định: Văn bản trước khi đưa cho người có trách nhiệm duyệt ký để ban hành thì phải cử người kiểm tra lại cẩn thận; văn bản tâu trình lên nhà vua ngoài chữ ký của người đứng đầu cơ quan (hoặc cấp phó), thì người thảo văn bản (phụng thảo) và người soát xét lại văn bản (phụng khảo) đều phải ghi tên mình vào văn bản đó. Hai quan này đều phải chịu trách nhiệm liên đới với nhau về nội dung văn bản tâu trình.
3. Việc quản lý con dấu được các triều đại coi trọng hơn so với chữ ký, xem con dấu là yếu tố thông tin quan trọng nhất để đảm bảo hiệu lực pháp lý và tính chân thực của văn bản, đặc biệt là thể hiện quyền uy của hoàng đế và của cả vương triều. Triều Lê, các con dấu của nhà vua được đúc bằng vàng và bạc. Quy định của triều Lê về đóng dấu văn bản và quản lý con dấu như sau: Các văn bản do các nha môn ban hành đều phải đóng dấu; xử phạt rất nặng những vi phạm về thể thức đóng dấu văn bản, làm dấu giả hoặc dùng dấu giả đóng vào văn bản.
Quốc triều hình luật có quy định nếu đóng dấu vào sổ sách công bị thiếu sót phạt 80 trượng. Nếu cố ý đóng gian thì xử phạt nặng hơn: Bị biếm chức hoặc bị tội đồ.
Đến triều Nguyễn, vua Minh Mạng cũng quy định và xử phạt việc đóng dấu và quản lý dấu. Đối với các loại sổ sách đóng thành tập, phải đóng dấu kiềm vào chỗ giáp lai. Trong văn bản, những chỗ tẩy xóa, sửa chữa, những chỗ viết số liệu đều phải đóng dấu kiềm lên hoặc vào bên cạnh để ngăn ngừa sự tẩy xóa, sửa chữa.
Các trường hợp đóng sót hoặc không đóng dấu đều bị xử phạt nghiêm. Nếu xảy ra sai sót thì cả người trực tiếp làm công tác văn thư và người quản lý công việc này đều bị phạt. Quy định ghi rõ: “Phàm các nha môn làm giấy tờ gửi đi nơi khác mà đóng dấu ấn sót một chỗ cần phải đóng thì lại điển, quan thủ lĩnh soát lại và người phát đi đều phải phạt 60 trượng. Nếu không đóng ấn thì phạt 80 trượng. Nếu giấy tờ nào đóng sót hoặc không đóng ấn khiến cho việc điều bát binh mã, cung cấp quân nhu, tiền lương cho nơi biên giới bị trở ngại thì đều bị phạt 100 trượng”.
Một bản tấu của đình thần, triều Nguyễn. |
Minh Mạng còn quy định, nếu nội dung văn bản không phải là việc công mà quan phụ trách bắt phải đóng dấu thì nhân viên của phòng dấu được phép làm văn bản báo cáo lên cấp trên. Nếu nhân viên phòng dấu vị nể mà che giấu, khi sự việc bị phát giác thì quan phụ trách đó sẽ bị kết tội là thủ phạm, nhân viên phòng đóng dấu bị quy là tòng phạm. Nếu không có xác nhận của thủ trưởng cơ quan mà nhân viên phòng đóng dấu tự tiện đóng dấu trộm sẽ bị xử tội nặng.
Theo quy định ban hành năm Minh Mạng thứ 2, định lệ các nha đóng ấn như sau: Bửu của vua đóng trên chữ niên (chỗ ghi ngày tháng phát hành văn bản, như: Minh Mạng nhị niên, tam nguyệt); ấn đại tiểu nha môn đóng trên chữ “nguyệt”; để phân biệt kẻ tôn người ti và phòng cạo tẩy; ấn tam nha hội đồng theo thứ đóng hai bên chữ “nguyệt”.
Từ năm Minh Mạng thứ hai, cũng mới bắt đầu đúc ấn đồng cho quan các dinh, trấn, đạo, phủ, châu, huyện. Các phủ, châu, huyện trước đó đều dùng triện gỗ, đến lúc này mới đúc ấn đồng và khắc bốn chữ triện “tên phủ + ấn” hoặc “tên châu + ấn” (ví dụ: Ứng Hòa phủ ấn).
Minh Mạng năm thứ 3 quy định ấn của dinh trấn đạo thì núm hình con hổ, dây màu tía, đóng dấu son. Ấn phủ huyện châu núm thẳng, phủ thì dây xanh, đóng dấu màu hồng. Huyện châu thì dây đen, đóng dấu màu tía.
Minh Mạng thứ 7 định cách thức làm triện vuông cho quan văn võ từ tứ phẩm trở lên. Triện nhất nhị phẩm to, tam tứ phẩm nhỏ hơn một chút, khắc các chữ “họ tên + tín ký”, nhất phẩm đến tam phẩm đóng bằng son, tứ phẩm màu đỏ, ngũ phẩm trở xuống đóng bằng mực.
5. Nội dung soạn thảo trong văn bản của các triều đại cũng được coi trọng. Minh Mạng nói: “Làm vua thì một lời nói, một việc làm là người dưới xem đấy mà theo. Nếu một mực giản dị thì sinh ra nhu nhơ, một mực nghiêm khắc thì sinh ra gay gắt, gay gắt lắm thì có hại đến chính trị mà nhu nhơ thì cũng không phải là cách làm chính trị, cho nên mỗi lần trẫm giáng chỉ dụ một chữ không dám khinh suất là vì thế”.
Vua Minh Mạng thấy các văn thư chỗ ngày tháng đều dùng chữ đơn, sắc cho từ nay phải dùng chữ kép để phòng sự chỉnh sửa. Ví dụ chữ “nhất” (-), viết đơn, có thể thêm nét để sửa thành rất nhiều chữ số khác nhau, từ “nhị”, “tam”, “tứ”, “ngũ”, “lục”, “thất”, “cửu”, “thập”… do đó, con số trong văn bản phải dùng chữ “nhất kép” (壹), sẽ không thể sửa chữa được.
6. Có một câu chuyện về việc xử phạt quan lại sử dụng sai loại ấn còn ghi lại trong Đại Nam thực lục. Đó là chuyện Thự Đô thống chế hậu dinh là Bùi Văn Thái ra làm quan ở trấn, khi đóng dấu công văn gửi về triều đình vẫn dùng ấn cũ. Vua Minh Mạng xem thấy lạ hỏi: “Thái còn giữ tạm ấn cũ?”.
Vua triệu Tham tri bộ lại là Lê Đồng Lý vào trách tội, bắt cùm lại. Sau phạt Lý giáng làm Thái thường tự khanh, tham lý công việc ở bộ lễ. Thượng thư Trịnh Hoài Đức, cùng Hoàng Quỳnh, Lê Vạn Công ở văn thư phòng đều bị quở trách.
Vua dụ bộ lại rằng: “Quan văn võ trong ngoài có chức giữ việc quan trọng thì lệ có cấp ấn quan phòng là để tỏ sự tin, phòng gian dối và trọng danh vị. Từ nay về sau có ai được cất bổ, đáng cấp ấn quan phòng, thì để thỉnh trước để đúc ấn, đến ngày ban chiếu sắc thì cấp cả một thể. Nếu viên quan nào được chọn bổ chức khác, cùng với chức cũ không có liên quan, thì nộp ấn ấy ở bộ, đưa sang văn thư phòng thu giữ”.
Lê Tiên Long
(Lao động 11/12/2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét