Đọc cuốn "Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh" (NXB Chính trị quốc gia 2011), thấy có chuyện này lần đầu biết:
Đó là trong trận đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 18, trung đoàn 102 (trung đoàn Thủ đô), sư 308, tên viết tắt là K. đã "bỏ bộ đội, thương binh chạy về tuyến sau", và bị tòa án binh mặt trận xử 20 năm tù giam.
Tuy nhiên, chuyện đặc biệt hơn là ông này "chỉ bị giam 3 tháng 17 ngày, sau đó được tham gia vào đoàn cán bộ cải cách ruộng đất để lập công chuộc tội, vì trong các chiến dịch trước đó đã lập nhiều chiến công".
Công nhận ngành quân pháp của ta cũng nhân đạo thật.
Chuyện được Đại tá Phạm Chí Nhân, nguyên Cục phó cục Tuyên huấn, TCCT, viết.
Chưa đọc ở đâu về chuyện này, và tò mò không biết số phận ông K. sau này thế nào.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. |
Đọc sách mới biết là trong kháng chiến chống Pháp, "tập thể lãnh đạo" của quân đội Việt Nam gồm 3 người: Đại tướng Giáp, ông Thanh - Chủ nhiệm TCCT(từ 1950) và Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp.
Sau khi ông Ninh chuyển ra khỏi quân đội, thì theo ông Thanh viết "Tôi yêu cầu điều anh Văn Tiến Dũng ở quân khu 3 lên, giữ chức Tổng tham mưu trưởng, lúc này, tập thể lãnh đạo gồm anh Văn, tôi và anh Dũng".
Về bài thơ "Đêm nay bác không ngủ". Hóa ra ông Minh Huệ lúc sáng tác đang là thư ký của ông Thanh ở Bình Trị Thiên, chuyên tổng hợp thông tin, tình hình văn hóa trong khu. Năm 1950, ông Thanh đi Việt Bắc về kể chuyện cụ Hồ cho ông Huệ nghe, ông Huệ mới sáng tác ra bài này. Hình như giới văn học đánh giá ông Minh Huệ, người tuy sáng tác khá nhiều tác phẩm, nhưng chỉ thành danh với mỗi bài này.
Còn ông Hoàng Anh, Phó Thủ tướng, là người luôn được ông Thanh nâng đỡ. Ông Hoàng Anh là người thay ông Thanh ở chức Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên, rồi Bí thư liên tỉnh ủy Bình Trị Thiên khi ông Thanh ra nhận chức Chủ nhiệm TCCT, và sau này, khi ông Thanh thôi chức Trưởng Ban Nông nghiệp trung ương để đi Nam năm 1964, ông Hoàng Anh cũng là người được giới thiệu thay thế.
Còn ông Hoàng Anh, Phó Thủ tướng, là người luôn được ông Thanh nâng đỡ. Ông Hoàng Anh là người thay ông Thanh ở chức Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên, rồi Bí thư liên tỉnh ủy Bình Trị Thiên khi ông Thanh ra nhận chức Chủ nhiệm TCCT, và sau này, khi ông Thanh thôi chức Trưởng Ban Nông nghiệp trung ương để đi Nam năm 1964, ông Hoàng Anh cũng là người được giới thiệu thay thế.
Quyển sách có rất nhiều bài viết của các vị lãnh đạo cao cấp, tứ trụ các thời, và có cả bài của ông Trần Độ. Ở trang có bài của tất cả các lãnh đạo cao cấp, đều có chú thích vị đó từng giữ chức gì là cao nhất. Riêng cạnh tên ông Trần Độ, chỉ ghi "Trung tướng", không có chú thích từng giữ chức danh nào, dù ông Độ đã làm đến Phó Chủ tịch Quốc hội. Nhưng đọc thấy đám tang ông Độ, trên nhà tang lễ chỉ ghi "Lễ tang ông Trần Độ", trong sách có được chữ Trung tướng đã khác lắm rồi. Trong sách này nhắc nhiều đến ông Độ.
Trong bài viết của mình, ông Trần Hoàn kể chuyện hồi ở Thừa Thiên, ông Thanh đã yêu cầu ông Hoàn hát cho nghe bài "Thiên thai" của Văn Cao, sau đó bình luận: "Tại sao những bài hát kháng chiến lại không hay được như bài này nhỉ?".
Bài viết của ông Trần Bạch Đằng nói ông Thanh từng đòi làm cải cách ruộng đất ở miền Nam năm 1966, nhưng đa số lãnh đạo trung ương cục người miền Nam, trong đó có ông Đằng, lúc đó phụ trách Tuyên huấn, quyết liệt phản đối. Sau khi Bộ chính trị có điện chỉ đạo không thực hiện CCRĐ, ông Thanh đã sao điện gửi ông Đằng để thông báo và khen ông cứng đầu có lý.
Đọc sách mới biết thời chống Pháp, quân Pháp từng định vượt đèo Ngang ra đánh Tĩnh Nghệ Thanh, nhưng càn vào Cảnh Dương không được.
Về chuyện bà Ba Định, một tác giả viết ông Thanh quyết định đưa bà về làm Phó Tư lệnh quân giải phóng, mà "Bộ Quốc phòng không biết", và sau đó mới báo ra cho cụ Hồ.
Rồi chuyện ông Thanh không giới thiệu mình là ai, đi nói chuyện với các anh hùng LLVT miền Nam về dự đại hội, mới nghe được chuyện chị Út Tịch "giấu lựu đạn vào chỗ kín", khiến sau khi biết ông Thanh là Bí thư, chị Út Tịch xấu hổ.
Hay chuyện năm 1962, Thanh Hóa bị nạn đói, có người chết đói, mà vẫn báo cáo khống thành tích sản xuất nông nghiệp, ông Thanh phải vào ký lệnh yêu cầu tỉnh mở kho dự trữ cứu đói cho đồng bào, nên lúc xe ông Thanh ra cầu Hàm Rồng, nhân dân hoan hô ông Thanh mà ông cận vệ do trông bệ vệ lại được nhận lời hoan hô của đồng bào.
Một chuyện khác kể năm tháng 2/1946, có đoàn đại biểu Phật giáo Thanh Hóa vào Huế dự Đại hội Phật giáo toàn quốc tại chùa Từ Đàm, vào hỏi ý kiến ông Thanh đang là Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên, ông gợi ý khẩu hiệu "Thống nhất - Dân chủ - Dân tộc - Đạo pháp". Đoàn Thanh Hóa đề xuất việc này ở đại hội và được thông qua. Liên tưởng đến khẩu hiệu hiện nay của Phật giáo Việt Nam "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội".
Câu chuyện người cấp dưỡng của ông Thanh hồi ở Miền cho biết: Phụ nữ miền Nam không biết nấu riêu cua và sàng gạo, chị em cấp dưỡng phải nhờ Đại tướng dạy mới biết.
Chuyện nhà báo Nguyệt Tú, báo Nhân dân (vợ ông Lê Quang Đạo) cho biết hồi năm 1946, tại đám cưới ông Thanh tổ chức ở Thừa Thiên, thì có nghi thức chào cờ.
Rồi chuyện cơ quan TCCT đưa danh sách nâng quân hàm từ thượng úy lên đại úy năm đó, có vợ ông, ông bảo "Đồng ý tất cả, trừ vợ tôi, tôi sẽ làm công tác tư tưởng với cô ấy". Chả hiểu hồi đó thì thế nào, giờ đọc thấy kỳ kỳ. Sao phải thế nhỉ?
Với văn nghệ, thì tướng Thanh nói nhà văn Nguyễn Thi "có chuyện riêng phiền muộn". Chưa đọc được là chuyện gì.
Một cán bộ xã Tòng Bạt, Ba Vì viết, hồi ông Thanh về HTX Đại Phong, ông "vật tay thắng lần lượt 10 thanh niên trai tráng".
Riêng có giai thoại ông Thanh ký giấy phép cho một anh lính, sách đăng 2 truyện viết khác nhau. Một nói xảy ra ở phà Ghép, và anh lính đi từ Tây Bắc về Nghệ Tĩnh, đi mất 7 ngày đi rồi mới đến đó. Chuyện thứ 2 viết chuyện xảy ra năm 55 ở "phà Hàm Rồng", và nhân vật lại là anh lính hải quân đóng quân ở Quảng Ninh. Tất nhiên chuyện thứ 2 có quá nhiều chi tiết vô lý. Nhưng không rõ BBT sách xử lý thế nào mà đưa vào cả 2 giai thoại, mà cũng không thẩm định xem giai thoại có đúng không. Sách cũng nhắc mấy lần đến chuyện ông Thanh cõng một ông cán bộ qua suối, có người còn viết rõ ông được cõng là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn nọ, sau đó lên trung đoàn trưởng.
Về bài báo nổi tiếng của ông "Huyện ủy năm không", hiện chưa rõ trong báo chí Việt Nam trước đây, đã có tác giả nào tự viết nhưng kể chuyện về... mình "Tôi đi Thủy Nguyên cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh... ông Thanh nói..." không nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét