Buổi đầu triều Nguyễn, các vua nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, luôn xử lý nghiêm việc khi các hoàng tử, công chúa vi phạm luật lệ. Chính vì thế, mà luật pháp trong cả nước nghiêm minh, quan dân nhìn gương các hoàng thân bị xử phạt mà tuân thủ.
Sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho tổ chức biên soạn bộ Hoàng Việt luật lệ, còn gọi là bộ luật Gia Long, hoàn thành năm 1815, được ban hành phổ biến trong toàn dân. Tuy nhiên, để toàn dân triệt để tuân thủ pháp luật, chính các đại thần, thậm chí các vương tôn công tử đều phải tuân theo pháp luật để làm gương.
Các sách Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, ghi chép các câu chuyện về vua, quan nhà Nguyễn, biên chép rất nhiều câu chuyện cụ thể về việc này.
1. Diên Khánh công là Nguyễn Phúc Tấn (còn có tên khác là Thản, là con thứ bảy của vua Gia Long) khi còn trẻ tính tình ngỗ nghịch, làm nhiều điều trái lễ, vua phải nhiều lần răn dạy.
Thời vua Minh Mạng, một lần Diên Khánh công lấy roi đánh cai đội thị trung là Lê Văn Hương. Tôn Thất Dịch đem việc tâu lên, vua Minh Mạng đang ngự ở điện, các tước công (hoàng tử) đều ở đấy. Vua quay nhìn Diên Khánh công, nhỏ nước mắt, trách rằng: “Hương kia cũng là phẩm quan triều đình. Có tội nên tâu lên, sao lại tự lấy roi đánh người ta? Vả lại phép của tiên đế lập ra là của chung của thiên hạ, có phải của riêng anh em ta đâu!”.
Vua Minh Mạng. Tranh minh họa. |
Vua Minh Mạng lại nhắc chuyện xưa, việc vua Gia Long dạy con: “Em không thấy tiên đế đã thiết trách Định Viễn công (Hoàng tử Nguyễn Phúc Bính, con thứ sáu của vua Gia Long) à? Bấy giờ Định Viễn công có lỗi nhỏ, mà anh vì Bính hai ba lần xin tha, tiên đế vẫn không tha. Như thế là vì nghĩ rằng các hoàng thân sinh trưởng ở chỗ giàu sang, cậy mình được yêu thương đặc biệt, nên coi nhẹ mà phạm hiến chương, cho nên không thể không nghiêm ngặt để ngăn người sau. Nay anh lấy lòng tiên đế làm lòng mình mà yêu em, em cũng nên lấy lòng mình mà yêu anh, cùng nhau cẩn thận giữ phép sẵn, để giữ tiếng lành mãi không cùng. Chớ nên lại làm như thế nữa!”. Diên Khánh công nghe vậy cúi đầu tạ lỗi.
Vua vời các văn võ đại thần dụ rằng: “Việc Diên Khánh công đã làm có trái với phép, các khanh hãy vì trẫm tha thứ cho, từ nay về sau có kẻ nào bắt chước lỗi ấy thì không rộng tha nữa”.
2. Không chỉ các hoàng tử làm việc trái luật, mà thuộc hạ của nhiều vị cũng lợi dụng vị thế để mưu lợi cá nhân. Người thuộc hạ ở phủ Diên Khánh công tranh nhau thầu thuế cửa quan bến đò với người dân. Ký lục dinh Quảng Đức (tức kinh thành Huế) là Ngô Bá Nhân không cho. Diên Khánh công gọi Bá Nhân đến trách mắng. Bá Nhân đem việc tâu lên. Vua Minh Mạng nói: “Cửa quan bến đò là thuế của nước. Diên Khánh công sao lại được như vậy? Mà chức của ngươi là chức kinh doãn (cai trị kinh đô), không phải sợ kẻ quyền quý, sao lại nghe gọi là đến ngay mà chịu nhục?”. Bá Nhân cúi đầu chịu tội. Nhờ vua Minh Mạng công bằng và nghiêm khắc, mà người nhà Diên Khánh công không dám cậy thế làm càn.
Năm Minh Mạng thứ 13, Diên Khánh công lại nghe lời người buôn xảo quyệt là Diệp Liên Phong kêu xin lấy thuyền nước Thanh, mạo đổi làm thuyền miễn thuế để mưu toan khoan tha thuế. Việc phát ra, ông sợ hãi xin nhận tội. Vua cho là ông biết tự hối hận, đặc cách miễn cho. Sách Đại Nam liệt truyện, chính biên, tập 2 chép rằng, từ đấy ông quyết tâm rèn luyện, đốc chí học hỏi, đức nghiệp ngày càng tiến, vua Minh Mạng càng yêu dấu nhiều hơn.
Còn thuộc hạ trong phủ Thiệu Hóa công Nguyễn Phúc Chẩn là Nguyễn Đăng Quý trá xưng là thị vệ, đêm vào nhà dân bắt bạc, lại cự đánh viên tri huyện Vũ Văn Thụ. Dinh thần Quảng Đức tâu lên, vua Minh Mạng sai đem Quý chém. Thiệu Hóa công sợ hãi gặp vua xin nhận tội. Vua mắng “Công thực thà nhưng quá nhu nhược nên thuộc hạ sinh nhờn”. Thuộc phủ của công là cai đội Lê Văn Đắc bị tội đánh trượng và cách chức.
Năm Minh Mạng thứ 4, Kiến An công Nguyễn Phúc Đài (con thứ năm của vua Gia Long), sai thuộc viên trong phủ là Lê Văn Quát đi Hà Nội mua ngựa. Quát đi thẳng lên Cao Bằng, yêu sách của dân, tuần phủ Lạng Sơn là Hoàng Văn Quyền đem việc ấy tâu lên vua biết, Quát bị luận tội phải xử tử, Kiến An công cũng bị phạt bổng một năm.
3. Thái trưởng công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Du là con thứ tám của chúa Nguyễn Phúc Luân, là em của vua Gia Long và cô của vua Minh Mạng. Bà được gả cho chưởng hậu quân, tham tặng bình tây đại tướng quân Võ Tánh, một công thần phục quốc của vua Gia Long, đã chết trong trận quân Tây Sơn vây thành Bình Định năm 1801 trước khi vua Gia Long hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước.
Vua Minh Mạng nghe nói đầy tớ nhà thái trưởng công chúa Ngọc Du cậy thế lấn người, mà chúa không cấm, mới vời con của bà là khinh xa đô úy Võ Khánh đến trách rằng: “Nước có điển hình, sao mày không khuyên mẹ mày đi?”. Khánh thưa rằng: “Không thể khuyên can được”. Vua bảo rằng: “Làm con thờ cha mẹ nên lấy lời nói dịu dàng can ngăn ở lúc việc chớm phát, để cha mẹ đừng mắc vào điều phi nghĩa, không thế thì trách nhiệm ở mày”. Sử sách không ghi rõ sau đó đầy tớ nhà công chúa có bớt chèn ép người dân không, nhưng lời răn dạy của vua Minh Mạng cũng đáng để cho hậu thế học tập.
4. Điện Bàn công Nguyễn Phúc Phổ, là con thứ tám vua Gia Long. Năm Minh Mạng thứ 7, ông dám tự tiện đặt quan chức, làm riêng ấn tín trong phủ. Việc phát giác ra, ông đến cửa khuyết xin nhận tội. Vua ra lệnh phạt bổng thân công ba năm, triệt bỏ thuộc binh đi, còn có dụ răn bảo rất nghiêm khắc và cho bắt trưởng sử thuộc phủ đệ ấy là Nguyễn Văn Bảo giao cho bộ hình trị tội. Từ đấy Điện Bàn công hối hận, không dám làm bậy.
Thiệu Hóa công Nguyễn Phúc Thiện Khuê, là con Thiệu Hóa quận vương Nguyễn Phúc Chân (con thứ chín vua Gia Long), vì tiêu xài hoang phí, hết sạch tài sản trong nhà, phải đem kim sách, ngân sách (là sắc phong tước làm bằng vàng và bạc vua ban cho các hoàng tử) đi cầm cố. Việc bị phát giác, vua Thiệu Trị giận, cho giáng làm Thiệu Hóa đình hầu. Sau biết hối hận đổi lỗi, năm Tự Đức thứ 13 (1860), được khôi phục nguyên tước công.
Kỳ Phong quận công Hồng Đĩnh, con thứ 23 của vua Thiệu Trị, tính kiêu túng, vua thường nghiêm trách. Đời Tự Đức, Kỳ Phong công tự tiện đánh lính canh cửa, bị phạt 2 năm lương. Năm Tự Đức thứ 31, cậy quyền nạt người sách nhiễu tiền của, bị phát giác, phải giáng làm hoàng tử (cắt tước công). Khi vua Kiến Phúc chết, do không có mặt tại lễ phát tang nên bị khép vào luật “Thác cố bất triều”, giáng làm thứ nhân, đổi sang họ mẹ. Mãi sau này khi ông chết, mới được khai phục lại tước Phong Hưng hầu, rồi đến khi vua Đồng Khánh lên ngôi, mới được phục lại tước quận công.
Phú Lương quận công Hồng Dao, con thứ 52 của vua Thiệu Trị, đời vua Đồng Khánh vu cáo người khác là đi theo giặc để đòi hối lộ, nên bị cách chức, đổi sang họ Nguyễn của mẹ.
5. Nhiều vị vương công vì những sở thích của mình mà sách nhiễu nhân dân, các vua nhà Nguyễn biết được, cũng xử lý, chấn chỉnh nghiêm khắc.
Định Viễn công Nguyễn Phúc Bính có lần gọi người thợ mũ để chế mũ con hát, nhưng vì mưa lụt, người đó không đến, công giận, sai lính phủ bắt đánh. Thiêm sự nội vụ là Hồ Hữu Thẩm đem việc tâu lên. Vua Minh Mạng gọi quở trách: “Lỗi lần này anh tạm tha cho, nếu còn lại như thế thì có phép công, cuối cùng không thể lấy tình riêng mà bỏ phép nước được”. Công cúi đầu tạ tội. Vua sai thống chế Vũ Viết Bảo đánh mắng người cai đội thuộc phủ Định Viễn công để răn cái tội không biết can ngăn. Sau đó sắc cho bộ lại chọn người cai đội lâu năm có hạnh kiểm làm Phó Trưởng sử để giúp đỡ.
Quảng Oai công là Nguyễn Phúc Quân, con thứ 10 của vua Gia Long, tính thích chơi bời săn bắn, từng sai thuộc hạ trong phủ đòi chó săn trong dân gian. Vua biết chuyện, trách phạt Quảng Oai công và sai đánh roi trưởng sử và cai đội trong phủ của ông, còn bọn thuộc hạ thì đánh 100 trượng, sung làm nhà bếp trong quân ở các dinh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam.
6. Có khi, chỉ vì sự đùa vui của vương công mà gây hại, cũng bị xử lý nghiêm. Đó là sự việc Hải Ninh quận công Miên Trinh (con vua Thiệu Trị) bày trò chơi ở nhà quảng học, mời các công đến dự tiệc, người dân đến xem đứng kín như bức tường, đuổi đi không được. Hoằng Hóa quận công Miên Ninh nhân nói đùa dọa người, họ ngã giẫm lên nhau, có người bị thương. Quan khoa đạo là Vũ Duy Ninh đem việc ấy tâu hặc. Vua Thiệu Trị quyết định phạt Miên Ninh bổng một năm, Miên Tranh phạt bổng 6 tháng, thu 10 lạng bạc cấp cho thân nhân người bị thương. Quản gia ở phủ Hoằng Hóa quận công, Tư vụ nhà quảng học đều bị giáng, lưu. Giáo đạo Hồ Văn Nghĩa bị giáng một cấp.
Chính vì kỷ cương chặt chẽ, triều đình từ nhà vua trở xuống luôn nghiêm khắc xử lý từ các vị vương công, không thiên vị, nên những năm đầu triều Nguyễn, luật pháp rất nghiêm minh, khắp nơi đều tuân thủ. Nhà sử học Trần Trọng Kim, trong sách Việt Nam sử lược, đã nhận xét: “Đời vua Minh Mạng, pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ”.
Lê Tiên Long
Lao động 26/11/2016
Lê Tiên Long
Lao động 26/11/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét