Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Tiểu sử bộ trưởng Quốc phòng Trung Hoa Tôn Sĩ Nghị

Năm 2017, Cố cung bác vật quán tại Đài Bắc, Đài Loan công bố một số tàng thư mà Trung Hoa dân quốc thu được của triều đình nhà Thanh và chuyển ra đảo năm 1949, trong đó có bản tiểu sử sau, nhiều khả năng của cơ quan tình báo Quốc dân Đảng thực hiện, ghi chi tiết hành trạng của Bộ trưởng, người từng liên quan mật thiết đến Việt Nam và vua Quang Trung cũng như quận Đống Đa, Hà Nội.

 Ảnh: Tôn Sĩ Nghị lúc đeo lông công 1 mắt.

Xem tiểu sử của vị này, mới biết ông ta vốn chỉ là quan văn, không phải võ tướng, nên sang Việt Nam lạ nước lạ cái bị vua Quang Trung đánh cho không kịp mặc giáp chạy về Long Châu cũng chẳng có gì lạ.

Nhưng được cái ông này cũng tài, tuy thi đỗ muộn, nhưng cũng đủ trình độ biên tập từ điển bách khoa, nhiều lần được cử phụ trách hậu cần quân đội trong các chiến dịch lớn, được cử làm Chủ tịch, Bí thư nhiều tỉnh lớn, cuối đời thăng đến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao…

Xin được post lại hầu các bạn:
Họ và tên: Tôn Sĩ Nghị
Năm sinh: 1720
Tên gọi khác: Trí Dã
Nguyên quán: Nhân Hòa, Chiết Giang
Hoàn cảnh gia đình: Bần nông
Quá trình học tập: Học tại địa phương, thi Hương nhiều lần không đỗ
Năm 1759 mới đỗ cử nhân (40 tuổi)
Năm 1761 (Càn Long thứ 26) đỗ Tiến sĩ (41 tuổi), được đưa vào danh sách cơ cấu làm Chủ tịch huyện nhưng do không có “tiền tệ, quan hệ” nên mãi không được bổ.

Quá trình công tác:
Mùa xuân năm 1762, vua Càn Long Nam du lần thứ 3, mở ân khoa, Tôn Sĩ Nghị đỗ đầu, được điều vào làm Chánh văn phòng nội các (43 tuổi).
1769: Được cử làm Chánh văn phòng của Tổng tư lệnh Phó Hằng (Đại học sĩ, bố của Phúc Khang An) đi đánh Miến Điện, nhờ có công lao thảo công văn giấy tờ, được thăng lên hàm Vụ trưởng bộ Kinh tế tài chính (bộ Hộ), tước Đại lý tự thiếu khanh.
1770: Thăng Giám đốc sở Giáo dục Quý Châu.
1774: Thăng Chủ tịch tỉnh Quảng Tây.
1775: Thăng Chủ tịch tỉnh Vân Nam.
1776: Bí thư Vân Nam Lý Thị Nghiêu bị kết tội tham nhũng, Tôn chủ tịch bị cách chức vì không tố cáo sai phạm của cấp trên. Phải sung quân đày đi I Lê. Tuy nhiên, công an khám nhà, không thấy có tài sản gì nên vua Càn Long thương tình, giảm tội, cho chuyển công tác về Viện Hàn lâm KHXH, chịu trách nhiệm biên tập Từ điển bách khoa.
1782: Biên soạn xong bộ từ điển “Tứ khố toàn thư”, được điều về làm Giám đốc sở Tài chính – Thuế vụ Sơn Đông. Tài liệu ghi nhận, Tôn bắt đầu quan hệ với Hòa Thân.
1783: Bổ nhiệm lại làm Chủ tịch Quảng Tây.
1784: Chuyển sang làm Chủ tịch tỉnh Quảng Đông.
1786: Bí thư Lưỡng Quảng là Phú Lặc Hồn dung túng 2 người đầy tớ thu lợi bất chính hàng nghìn lượng bạc. Chính phủ giao Tôn Sĩ Nghị điều tra. Phú Lặc Hồn cậy mình là Ủy viên trung ương, cấp trên của Tôn, o ép Tôn nhưng Tôn không nao núng, vẫn điều tra quyết liệt. Càn Long hài lòng, cách chức Phú, thăng Tôn làm Bí thư Lưỡng Quảng.
Ở Đài Loan có loạn Lâm Sảng Vân, triều đình cử Phúc Khang An làm nguyên soái đi đánh, Tôn Sĩ Nghị có công trợ giúp lương thực, vũ khí, được thăng hàm Thái tử Thái bảo, tặng Huân chương chiến công (hiện vật là lông công có 2 mắt).
1788: Đài Loan bình định, được vẽ hình đưa vào bảo tàng Tử Quang Các.
Việt Nam có biến, Tây Sơn ra Bắc, Lê Chiêu Thống chạy sang cầu cứu, được phong tước Nhất Đẳng Dũng mưu Công, ban mũ có chỏm hồng bảo thạch, cầm quân 2 tỉnh Quảng Đông Quảng Tây sang trợ giúp vua Lê.
Đầu năm 1789: Bị Quang Trung đánh bại, dẫn tàn quân chạy về Quảng Tây, bị cách chức Tổng đốc, thu hồi hồng bảo thạch, lông công 2 mắt, cắt tước Dũng mưu Công, gỡ hình trong bảo tàng cách mạng. Phúc Khang An được điều thay làm Bí thư Lưỡng Quảng.
Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì Tôn lại được triệu về làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thường vụ Bộ Chính trị.
Mùa đông 1789: Bổ làm Bí thư Tứ Xuyên.
1790: Thăng Bí thư Lưỡng Giang (Giang Nam và Giang Tây), thay Bí thư Thư Lân bị cách chức vì tội ngụy tạo tài liệu. Ở Lưỡng Giang, có công tu bổ đê điều.
1791: Thăng làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tổ chức trung ương.
Cuối 1791: Phúc Khang An được cử làm Nguyên soái đánh quân Khuếch Nhĩ Khách, Tôn lại được bổ làm Bí thư Tứ Xuyên, chịu trách nhiệm tiếp vận binh lương, có công lao nên lại được phục hồi lông công 2 mắt, tranh được bày lại trong bảo tàng Tử Quang Các.
1792: Thăng bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
1795: Được cử cầm quân đánh quân người Miêu nổi dậy ở Tứ Xuyên.
1796 (Gia Khánh năm 1): Đem quân đánh Bạch liên giáo ở Tứ Xuyên, thắng vài trận, được phong Tam đẳng nam tước.
6/1796: Chết khi đang hành quân. Được truy tặng lại tước Công, cháu là Tôn Quân được thế tập tước bá.
Sĩ Nghị được đánh giá là tương đối trong sạch, không tham nhũng.
Sở thích: Thư pháp, sưu tầm đá lạ.
Con cái: Không có, chỉ có cháu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét