Hồi ức về thị xã Thanh Hóa những năm cuối 80, đầu 90.
Thị xã tỉnh lẻ những năm 80 vẫn đúng chất “tỉnh lẻ”, đường phố nhỏ, nhiều nhà ngói, rất hiếm nhà tầng. Chỉ vài nhà rất giàu mới có nhà tầng như nhà các nhân vật trong “đường dây” của ông Đặng Đình Tám.
Thị xã tỉnh lẻ những năm 80 vẫn đúng chất “tỉnh lẻ”, đường phố nhỏ, nhiều nhà ngói, rất hiếm nhà tầng. Chỉ vài nhà rất giàu mới có nhà tầng như nhà các nhân vật trong “đường dây” của ông Đặng Đình Tám.
Trường cấp 1-2 Ba Đình, trường điểm của thị xã, lúc đó vẫn sân đất, mái ngói. Phải đến tận năm 1990, mới bắt đầu có dãy nhà 2 tầng được xây. Nhìn thấy nhà 4 tầng của trường Lam Sơn là thấy hoành tráng lắm.
Có một số nhà trang trí tường ngoài bằng vôi, ve được sơn quét màu lòe loẹt (ai đã đọc hồi ký GS Nguyễn Đăng Mạnh sẽ thấy). Nhưng hồi đó mình rất thích ngắm các ông “thợ sơn quét ve” trang trí những ngôi nhà mới. Đoạn đường 1, gần nhà Nguyễn Tuấn Đức "khỉ", có nhà 1 ông thợ được kẻ vẽ sặc sỡ như vậy, ai đi qua cũng phải ngó nhìn.
Phía đối diện là nhà “Vũ Bảy – sửa xe đạp”, ông cụ nghe nói là VĐV đua xe đạp từ thời trước 1945, từng đua xe xuyên Đông Dương.
Mãi đến tận năm 1987-88, mới có đèn cao áp. Lúc đó ngạc nhiên là quần áo màu xanh, dưới đèn cao áp biến thành màu trắng cả. Lúc đầu chỉ có đèn ở phố Phan Chu Trinh (gọi là “khu nhà tầng” và đoạn đường quốc lộ 1, từ Cầu Hạc xuống đến đoạn chợ Nam Thành. Cống thoát nước bên đường cũng chỉ làm đến chỗ này. Từ chợ Nam Thành trở xuống đã là vùng nông thôn. Còn phía dưới Ngã ba Voi đã là đoạn đường hoang vắng, không có nhà cửa gì hết.
Ít nhà nên đi đến khu bệnh viện đã nhìn thấy nàng Tô Thị ở trên núi Nhồi, Đông Sơn,
Cầu Bố lúc đầu chỉ là cái cầu bé xíu 2 ô tô đi ngược chiều còn phải rón rén tránh nhau, sau mới xây thành cầu mới như hiện nay. Lúc mới xây xong cầu mới, cầu cũ còn để lại, có 1 nhà ở đầu cầu dựng lều ở trên mặt cầu cũ.
Khách sạn 25A được gọi là “khu giao tế”, có chuyên gia "Liên Xô", tây đầm ra vào. Ở cổng nhà hát Lam Sơn thì có một cửa hàng kem cốc. Mãi sau này dưới Bờ Hồ mới có kem An Viên.
Đầu đường Tống Duy Tân, là nhà “Mì vằn thắn bánh bao”. Đây là nơi mình ăn cái bánh bao đầu tiên, sau khi Dương sumo nhận học bổng chiêu đãi.
Hồi đó mỗi nga tư hay có một gánh bánh mì ba tê. Cái bánh mì ba tê Thanh Hóa có một mùi vị đặc biệt của nước thịt, hành phi, thơm lừng. Thậm chí chỉ cần rưới cái nước đó vào ruột bánh mì ăn đã thích lắm rồi. Tiếc là bây giờ không còn gặp lại cái hương vị ấy nữa, dù vào ăn bánh mì Bách.
Phía đối diện cổng trường Ba Đình, đầu hồi đường Hàn Thuyên, là một nhà bàn quà vặt cho học sinh, có những hũ thủy tinh đựng các loại mứt, ô mai. Có đủ ô mai mơ, khế, táo tầu… Đi học về đóa nào có vài hào là có thể nhí nhủm vừa ăn vừa chia cho bạn. Nhớ lần đầu ông nội đi đón, có 1 đồng xu, mua cho cái kẹo mút màu đỏ phủ một lớp đường trắng, có cắm que tre.
Cổng trường hay có mấy bà bán sấu chín, gọt vỏ xong cắt xoắn vòng quanh, chấm muối ớt. Một ông kẹo kéo đội mũ kè, quay vòng quay để trẻ con kéo chiếc máy bay gỗ ra, thả “quạch” vào ô nào thì được kéo đoạn kẹo dài bấy nhiêu cm (mà kẹo kéo thì kéo mấy mà chả được). Hồi đó bắt đầu có sữa chua, còn cãi nhau là sữa chua hay sữa chúa. Còn chè đỗ đen đã được cho vào các túi nilon bằng nắm tay để tủ lạnh đông đá như một thứ kem.
Những trưa hè, khắp nơi vang kên tiếng kèn “Pe pí” của mấy người đèo thùng xốp bán kem mút.
Hồi đó vẫn còn thấy vết tích của rạp Tống Duy Tân chỗ cung thiếu nhi hiện nay. Nhà hát nhân dân sân khấu ngoài trời, hội lớp được Tuấn “nhà hát” dẫn vào xem bạn đóng một vai nhỏ trong “Đôi dòng sữa mẹ”, đọc mấy câu thơ “công cha như núi Thái Sơn”. Chỉ rạp Hội An là thường xuyên sáng đèn, chiếu từ “Ván bài lật ngửa”, “Biệt động Sài Gòn”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn…”.
Dưới gần nhà mình thì có xây một rạp chiếu phim tên là Đông Thành, mình có vào xem phim video “Nghêu sò ốc hến”, hay “Người không mang họ”. Sau đến thời phim ế ẩm, rạp bị phá, nền đất xây thành 3 ngôi nhà, trong đó nhà bên phải là nhà Le Cao Huyen, nhà ở giữa là khách sạn bây giờ.
Các đoàn xiếc, mô tô bay hay dựng rạp ngoài sân Ba lít. Hồi đó có mô tô bay trong lồng sắt, mô tô bay quanh thành giếng. Người xem đứng ở trên, giơ tiền ra thưởng, VĐV phóng xe lên đưa tay nhận tiền.
Hồi đó đi ra đến Hàm Rồng đã là đi dã ngoại. Ngày 20/11 năm nào ngoài đó cũng đông nghẹt học sinh. Mà đường thì chật, 20/11 cũng thường hay có tai nạn. Lớp mình có vụ Thọ Lang và Tuấn Anh đã bị chấn lột ở đoạn cầu chui.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét