Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Bản án kỳ lạ, oan nghiệt giáng xuống đầu 2 đại công thần Lê Ngân, Lê Sát

Dưới thời vua Lê Thái Tông, cả 2 khai quốc công thần Lê Sát, Lê Ngân, tuy đều là bố vợ vua nhưng lần lượt bị sát hại, trong đó bản án dành cho Lê Ngân đặc biệt ly kỳ và oan khuất.


Sau khi Thái Tổ Lê Lợi mất năm 1433, Hoàng thái tử Lê Nguyên Long mới 10 tuổi lên nối ngôi, tức là vua Lê Thái Tông. Khi đó, quyền lực tập trung vào tay Tể tướng Lê Sát. Con gái của Lê Sát là Lê Ngọc Dao được vua lập làm Nguyên phi, nên uy quyền của Lê Sát khuynh đảo cả triều đình.

Theo Đại Việt thông sử, thì Lê Sát "là võ tướng không hiểu đại thể, các việc thường theo ý riêng, tính thẳng hay làm bừa, không nghĩ đến sau, lại là người nóng nảy" do đó dẫn đến nhiều lần làm mất lòng vị vua trẻ để rồi nhà vua xuống tay sát hại, nhiều người vẫn cho rằng ông bị chết oan.

Dù còn nhỏ tuổi, vua Lê Thái Tông đã tỏ ra xuất sắc trong việc giành quyền lực về tay mình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1437, khi nhà vua được 17 tuổi, tháng 6, nhà vua xuống chiếu bắt Lê Sát, vì "thấy Lê Sát chuyên quyền".

Lê Sát vốn là người sách Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, đồng hương với vua Lê Lợi, là người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu, lập nhiều chiến công hiển hách. Đến khi thành công, trong danh sách công trạng, ông được xếp thứ nhì, được phong Huyện thượng hầu.

Lê Ngân, Lê Sát đều chết theo cùng một kịch bản. Ảnh minh họa.
Trước khi giết Lê Sát, vua Lê Thái Tông đã có sự chuẩn bị rất cẩn thận. Vua cho gọi Trịnh Khả, người bị Lê Sát đẩy ra khỏi kinh thành vì không cùng phe cánh, về chỉ huy cấm binh ở kinh đô. Khi biết tin này, Lê Sát vào cung tâu với nhà vua lo là Khả sẽ hại mình, nhưng nhà vua không nói gì.

Nhà vua nhận tờ tâu về việc Lê Sát chuyên quyền, cho Hình quan xét xử. Lê Sát tâu với vua rằng: "Nay buộc cho thần cái tội chuyên quyền, thế là tội của thần do tiên đế ban cho".

Lê Văn Linh, Lê Ngân muốn gỡ tội cho Sát, nhà vua không nghe, xuống chiếu rằng: "Lê Sát tự chuyên giữ quyền bính, ghen người tài, giết Nhân Chú để tự ra oai của mình, truất Trịnh Khả để người ta phục, bãi chức của Ư Đài khiến đình thần không ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra nơi biên thùy để gián quan phải ngậm miệng.

Xem những việc làm ấy đều không phải là đạo làm tôi. Nay muốn khép vào luật hình để tỏ rõ phép nước, song vì là đại thần cố mệnh, có công với nhà nước, đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước."

Đến tháng 7, nhà vua bắt Lê Sát phải tự tử, con gái ông bị phế làm thứ dân, vợ con và gia sản đều bị tịch thu.

Những người cùng phe hoặc từng nói đỡ tội cho ông cũng bị phạt: Tham đốc Lê Văn Linh bị giáng xuống làm Tả bộc xạ, Điện tiền đô kiểm điểm Lê Ê bị giáng xuống làm Đồng tổng quản lộ Quy Hóa. Hai người cùng bị truy đoạt tấm biển "công thần" được ban cho từ thời Lê Thái Tổ.

Năm 1453, Lê Sát mới được Lê Nhân Tông đại xá. Năm 1484, vua Lê Thánh Tông truy tặng ông chức Thái bảo, Cảnh quốc công.

Bản án kỳ lạ nhất lịch sử

Sau khi Lê Sát chết, chức tể tướng được trao cho Lê Ngân, vua cũng ban cho ông một người vợ lẽ của Lê Sát.

Lê Ngân là người ở Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, theo Lê Lợi từ lúc khởi binh, cùng vua trải bao phen nằm gai nếm mật, từ lúc bị vây ở Ai Lao, khi hết lương ở Linh Sơn, hay lập chiến công trong các trận Bồ Đằng, Khả Lưu, Thuận Hóa, Tây Việt, và công cuộc chiếm lại thành Đông Đô.

Năm 1429, trong đợt xét công trạng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông được xếp hàng thứ tư trên danh sách Khai quốc công thần, được phong tước Á hầu.

Trước khi được phong Tể tướng, ông giữ chức Nhập nội Đại đô đốc, Phiêu kỵ Thượng tướng quân, Đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty, Thượng trụ Quốc thượng hầu.

Cùng với việc được thăng chức cho Lê Ngân, con gái ông là Chiêu nghi Lê Nhật Lệ cũng được nhà vua thăng làm Huệ phi. Tuy nhiên, có ai ngờ được, việc được nhà vua sủng ái lại chính là bản án tử hình được chuẩn bị sẵn cho Lê Ngân theo cùng một kịch bản như với Lê Sát.

Chỉ sau khi Lê Sát bị giết có 4 tháng, tháng 11 cùng năm, Lê Ngân cũng bị bắt và buộc phải tự sát, con gái ông cũng bị vua phế bỏ.

Tội danh của Lê Ngân có lẽ là tội danh kỳ lạ nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. 

Không phải là tội phản loạn, không phải sự lạm quyền như Lê Sát, mà là một tội về "mê tín dị đoan".

Nguyên Lê Ngân bị có người gièm pha là lập bàn thờ Phật ở trong phủ để cầu cho con gái được vua yêu. Thời Lê, triều đình vốn sùng Nho giáo, bài Phật giáo.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Vua ngự ra ở cửa Đông thành, sai Thái giám Đỗ Khuyển dẫn 50 võ sĩ lục soát nhà Lê Ngân, bắt được tượng Phật và các thứ vàng bạc, tơ lụa.

Ngày hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ ra để tạ tội, trần tình rằng: "Trước kia thần theo khởi nghĩa ở Lam Kinh, nay thần cũng nhiều bệnh, thầy bói bảo là trong nhà thần ở, trước đây có miếu thờ Phật, vì để ô uế, nên xảy ra tai họa. Cho nên thần làm lại để thờ cúng".

Sau đó, Lê Ngân cho rằng: "Người vợ lẽ đã bị bỏ của thần là Nguyễn thị và người vợ lẽ của Lê Sát là Trần thị đã ban cho thần, cả hai đứa đều thù oán thần, cùng với đứa gia nô điêu ngoa của thần thêu dệt bày đặt cho ra chuyện đó.

Tiên đế biết rõ lòng thần, thường vẫn ưu ái bao dung. Nay gân sức của thần đã mỏi mệt lắm rồi, xin cho được về quê để sống hết tuổi tàn còn lại. Nếu nghe những người xung quanh mà tra tấn người nhà của thần, khi bị đánh đau quá, nhất định chúng sẽ khai khác đi, thì thân thần sợ không giữ được, xin bệ hạ nghĩ lại cho".

Vua không nghe, vẫn sai tra khảo nô tì trong nhà ông, rồi bắt ông tự chết ở nhà, tịch thu gia sản, giáng Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân làm Tư dung.

Lê Ngân đành phải tự kết liễu cuộc đời đầy võ công hiển hách của mình bằng cách treo cổ. Mụ đồng Nguyễn thị bị đày ra châu xa. Thầy phù thủy Trần Văn Phương bị đồ làm lính ở phường nuôi voi.

Năm 1435, Lê Thái Tông mở khoa thi, lấy đỗ 2 người và đặc biệt, năm 1442, mở khoa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử khoa cử Nho giáo, những người đỗ Thái học sinh được đổi là Tiến sĩ, và cũng bắt đầu tục khắc tên tiến sĩ vào bia Văn Miếu từ đó.

Năm 1439 và 1441, nhà vua thân chinh cầm quân bình định miền Tây Bắc, dẹp yên nhiều cuộc chống đối.

Tháng 7 năm 1442, Lê Thái Tông mới 19 tuổi, đã mất đột ngột tại trang trại Lệ Chi Viên, Hải Dương, kéo theo sự thảm sát đối với gia đình một vị khai quốc công thần nữa là Nguyễn Trãi.

May cho hậu duệ của Lê Ngân là đến năm 1448, đời vua Lê Nhân Tông, các đại thần tâu với vua xin cho con của ông làm Đội trưởng quân Bảo ứng.

Đến đời vua Lê Nhân Tông, năm 1453, nhà vua đại xá, cấp cho con cháu Lê Ngân, Lê Sát, Lê Khả, Lê Khiêm, Trịnh Khắc Phục mỗi nhà 100 mẫu ruộng quan điền.

Năm 1484, Lê Thánh Tông truy phong Lê Ngân chức Thái phó, Hoằng quốc công.

Lê Tiên Long
(Trí thức trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét