Nhớ đến thị xã Thanh Hóa những năm xưa cũ, bạn nhớ những âm thanh gì?
Đó là tiếng nổ mìn ì ầm ở núi Long vào 11 giờ trưa hằng ngày.
Đó là tiếng nhạc hiệu của đài phát thanh Thanh Hóa mỗi 12 giờ trưa, với điệp khúc quen thuộc của bài “Chào sông Mã anh hùng”: “Đây bóng dòng sông Mã chảy mênh mang… hò khoan, khoan hỡi dô khoan…”.
Đài Thanh Hóa đợt đó có chương trình kịch truyền thanh lúc 12h30 rất hấp dẫn. Thời đó chưa có mấy nhà có TV, các chương trình “Câu chuyện cảnh giác” và “Sân khấu truyền thanh”, “Chuyện kể ở đại đội” của VOV rất hot, nên kịch truyền thanh của THV cũng ăn khách.
Thanh Hóa đợt đó không có loa phường, chỉ có tiếng còi tầm trên nóc nhà bưu điện sáng, trưa, chiều hoặc tiếng mở đài thật to những lúc 12 giờ trưa, 6 giờ tối với nhạc báo giờ quen thuộc: “Trâu với bò, trâu với bò, trâu ơi đừng ấy bò…”
Thị xã còn vắng, những hôm có gió Bắc, từ phía Nam thị xã, còn nghe rõ tiếng loa phóng thanh của bến xe hay của ga, với giọng đọc đặc trưng của “nhà tàu đọc giật cục 3-4 chữ một: “Đoàn tàu… Thống Nhất… đang tiến vào... sân ga… đề nghị… quý khách… đứng cách xa… một mét…”.
Ở thị xã, có những hình ảnh gì đáng nhớ?
Ở phố Phan Bội Châu có một lò thủy tinh. Đi chơi lên nhà Phương xăm, Trung Nguyen Van ở Tân Sơn, Hạc Thành hay dừng lại xem các ông thợ thổi những hũ thủy tinh, bình, lọ…. Chủ yếu là những bình đựng kẹo bánh. Nước thủy tinh không trong, hay có bóng khí , nhưng nhìn mấy anh thợ trần trùng trục, mồ hôi bóng loáng chọc chọc, thôi thổi mà thấy ngưỡng mộ lắm.
Là cửa hàng vẽ tranh, kẻ quảng cáo của bố Kiên Xồm. Bọn học sinh hôm nào đi học cũng dừng lại xem tranh ba ông Phúc, Lộc, Thọ.
Thanh Hóa không có màu đặc trưng. Cả thị xã chỉ những mái ngói nâu cũ kỹ. Hoa chủ yếu chỉ có phượng vĩ, lác đác một số cây tràm hoa vàng rụng kín gốc. Thời đó cả thị xã không hề có một cây bằng lăng hay điệp vàng nào, mãi sau này mới có.
Cái thủy đình ở hồ Máy Đèn, cái nhà bia ngã Ba Bia, tất thảy đều cũ kỹ, nhỏ bé, không có gì là hoành tráng.
Đình nhà Lê xập xệ, mái ngói tả tơi, giột nát. Ngoài sân, khẩu cao xạ 100 ly không biết để từ thời nào, cũng tan hoang, mỗi nơi mỗi mảnh (sau này không biết người ta kéo đi đâu).
Thanh Hóa là thị xã có núi: Núi Mật xanh thẫm, núi Long do phá mìn lấy đá nên vách trắng bạch. Có rừng: Rừng thông Hàm Rồng lúc đó mới bắt đầu lên xanh. Có nhiều hồ: Hồ Lăng chứa nước, hồ Ga sen bạt ngàn. Các con sông chặn đầu, chặn đuôi thị xã đều bé, và nhanh chóng biến thành mương nước thải cho nhà dân ngày càng đông đúc hai bên: Sông cầu Hạc ở phía Bắc và sông nhà Lê ở phía Nam.
Mùi của thị xã?
Mùi mà những người con Thanh Hóa xa quê luôn nhớ là mùi nhân bánh cuốn. Cái mùi thơm, ngậy, thoảng vị béo của mỡ nước, khác hẳn mùi thịt nạc mộc nhĩ của bánh cuốn Thanh Trì.
Món quà thông dụng nhất xứ Thanh mà đứa học sinh nào cũng thích? Có lẽ là ốc. Trừ món ốc mút bé xíu khó ăn, thì các loại ốc nhồi, ốc mỡ ở Thanh Hóa cũng bình thường thôi, nhưng đặc biệt nhất là món “chẻo” (tương mẻ ngấu), hình như không nơi nào có. Tối tối, khách tụ tập ăn ốc ở cổng Đài truyền thanh Thành phố đông nghịt, đi qua ngửi mùi gừng sả rất kích thích vị giác.
Bánh chuối, bánh khoai cũng không có gì đặc biệt, nhưng là món ấm lòng những hôm mùa đông đi học về.
Những trưa đi học về qua đoạn đường Trần Phú, ngang khu nhà Thanh Bình Trương, sẽ rất… mệt với mùi bánh kẹo thơm phức của một bên là HTX bánh kẹo Toàn Thành, đối diện là xí nghiệp bánh kẹo.
Ở gần khách sạn 25A, bay ra đường là mùi các loại thảo dược: Bên cạnh đó là Xí nghiệp dược.
Lùi về phía Nam, ngang nhà khách 25B, là mùi bột mì, mùi men ủ hơi nồng của nhà máy bia.
Đi về phía Đông, đến “Cầu Cốc cạnh cầu chén”, là mùi đậm đà của xí nghiệp nước mắm Thanh Hương. Ai không quen ngửi vào chắc sẽ váng đầu.
Đi đường Nguyễn Trãi, lúc nào cũng khói nghi ngút đem theo mùi hương quyến rũ: Mùi chả chó của quán bà Lạc.
Ở đường Đinh Công Tráng, thì mùi va ni, đậu xanh quyến rũ của các nhà kem An Viên, Hồng Nhung. Tụi học sinh thích ngồi nhà Hồng Nhung hơn, vì ở đó có em gái da trắng bóc, nhưng răng tetacilin, hình như học chuyên Anh dưới bọn mình.
Thanh Hóa không có những “cống thối” như kiểu Tô Lịch, Kim Ngưu. Cái Chi giang 23, chạy từ Tân Sơn qua khu thể thao, theo khu tập thể trường LS về đến đường Lê Hoàn rồi vào Tân Bình, hồi xưa cũng đen bẩn lắm, nhưng không bốc mùi. Được cái là nhiều con giun bé xíu (bọn mình thì gọi là rươi) để cho cá ăn. Đi vào Tân Bình, các nhà đều phải bắc cầu qua mương vào nhà.
Còn thêm một chút nữa, là hình ảnh những người nông dân làng Tạnh gánh đôi vò hay các bác dưới Quảng Xương gánh đôi thùng tôn…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét