Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Sân "Căng"

Nhân đang tìm các ảnh Thanh Hóa City cũ, nhớ đến 2 cái sân vận động nổi tiếng xứ Thanh là “sân Căng” và sân “Ba lít”, search tìm nguyên nhân vì sao có những cái tên này. Ờ, “căng” là từ chữ Pháp Cour Stade (de) Thanh Hoa (sân vận động Thanh Hóa) và sân “Ba lít” là từ chữ “Polite” (sân Cảnh sát).


Cả 2 sân này đều gắn bó với tuổi thơ của mình (kể cả sân…rạp Hội An trước nhà Huy Ke).

Ở trường Lam Sơn, khi bị cấm đá bóng trong sân trường, lớp mình toàn ra sân phụ (sân đất) bên hông sân Thanh Hóa đá. Sau đó, “dịch chuyển” dần, vào chiếm cả sân cỏ. Hồi đó, đội Thanh Hóa còn ở A1, đình đám với vụ mua Nguyễn Văn Dũng từ Dệt Nam Định về, đâu như “giá chuyển nhượng” là 100 triệu, to vật vã. Ấy nhưng sân thì bị dân thành phố vào “chiếm”, lấy dép làm đường biên để “phân lô”, nếu là thanh niên thì chia sân làm 4, trẻ con thì chia sân làm 8…Chỉ trừ hôm đội Thanh Hóa tập, thì BQL mới lấy được sân, có khi chỉ lấy được một nửa, đội tập 1 bên, bên kia cả trăm người cũng đang chơi bóng.

Nhân dân “chiếm” sân được mấy năm, mãi sau này, ông Chức, bảo vệ sân mới “dẹp loạn” được, đuổi hết không cho ai đá, khóa cửa sân, cỏ mới mọc được. Ấy nhưng học sinh Lam Sơn, Đào Duy Từ, vẫn có cách. Anh em trèo tường vào sân, đá như thường. Chỗ trèo là cây cột bên phía đường Lê Quý Đôn (ngay cạnh cổng xe vào sân), cây cột này có những vết sứt vừa đủ để đặt chân hay tay, cứ bám vào đó là lên được.

Tường sân cao trên 3m, nhưng anh em đã có “quy trình”: Một cậu khỏe nhất “đặc công” lên trước, đứng trên bờ tường. Sau đó lần lượt anh em “đủn đít” nhau lên gần lên đến đỉnh, người đứng trên tường sẽ thò tay kéo lên. Cứ thế lần lượt cả mấy đội vào sân. Bên kia tường đã là khán đài đổ đất của SVĐ rồi. Nguy hiểm thế nhưng mấy năm đá bóng trèo tường như thế, mình chưa thấy có ai bị… rơi tường!

(Các cụ kể, trước đây, sân Thanh Hóa là SVĐ lớn nhất miền Bắc. Hồi năm 89, sân Hàng Đẫy đang xây lại, trận Bán kết giải VĐQG giữa CLB Quân đội và CAHN đá sân này, thu hút tới hơn 4 vạn khán giả. Trận này trùng với ngày giỗ bác mình, cả nhà về quê, chả ai xem được).

Năm 1993, giải vô địch trường Lam Sơn tổ chức trên sân này (đá nửa sân chiều ngang). Trong trận vòng loại, lớp Tin của mình thắng lớp Toán 3-0, Lê Anh Tuấn – nay làm ở Xi măng Nghi Sơn – ghi 3 bàn. Sau trận này, thanh niên lớp Toán xấu hổ vì trước trận vênh váo “cửa trên”, không thèm đi qua lớp mình để vào lớp (mặc dù lớp Toán nằm cuối dãy, sát hàng rào sắt ngăn đôi trường Lam Sơn – Đào Duy Từ), mà họ vào lớp bằng cách… nhảy qua cửa số phía đằng sau!

Trận đấu đáng nhớ nhất của mình trên sân Căng là trận “tiếp” đội trường cấp 3 Bỉm Sơn vào thi đấu. Hè 1994, đội mình ra Bỉm Sơn, đá trên sân Bỉm Sơn trong một ngày mưa bão ầm ầm. Mình bắt gôn, hai đội đang hòa 2-2, phút cuối, cầu thủ đội bạn sút bổng, mình bay người đẩy bóng bằng đầu ngón tay. Nhưng do gôn chỉ là… 2 đống dép, không có xà có cột nên đội bạn cho rằng: “Chạm tay TM tức là vào rồi”. Dù sao đá sân khách thế cũng là kết quả tốt, đội mình hẹn đội bạn vào đá sân Căng trận “lượt về”.

Trận lượt về được tổ chức vào một sáng Chủ nhật. Đội bạn đi 7-8 xe máy vào thành phố (Thanh Hóa lên thành phố vào tháng 5/1994), hồi đó mà đi xe máy là oách lắm. Hôm đó mùa đông, trời cũng lất phất mưa. Hai đội gửi xe ở quán bi-a cô Hòa trước cổng sân, rồi trèo tường vào, đá toàn mặt sân.

Trận này Nam Say (nay là cán bộ nghiên cứu của Viện Hải dương học) là thủ môn chính, mình đá tiền vệ cánh, chạy bở hơi tai. Đá sân to nên gần như cứ lên bóng là có bàn thắng. Tỷ số đang là 8-7 nghiêng về đội mình thì ông Chức bảo vệ mở cửa cầm gậy vào sân, lùa anh em chạy trối chết lên khán đài. Thanh Chó (nay làm ở một công ty thành viên TCT XD Trường Sơn) nhanh nhảu trèo ra ngoài, mua cân chè gói thuốc vào đưa cho ông Chức: “Biếu bố, bố cho bọn con đá nốt trận”. Ông Chức không cho, vung gậy lùa, thế là Thanh Chó bực mình bẻ cành cây lùa ông ấy chạy có cờ.

Anh em phấp phỏng vừa đá tiếp vừa ngóng ra ngoài sân xem ông Chức có thêm “viện binh” không. Quả nhiên “trinh sát” phát hiện: Hai bộ đội đã được “vận động” từ khu quân đội trong Tân Bình ra phòng bảo vệ, thế là anh em đánh bài chuồn, kéo ra quán nước cô Hòa “bình luận sau trận đấu”, trước khi “đội bạn” tiến hành càn quét. Đội Bỉm Sơn công nhận chiến thắng trận “lượt về” nghiêng về lớp Tin, chung cuộc hai đội hòa sau 2 lượt trận.

Sau khi ra đại học, hai lớp vẫn còn chinh chiến với nhau rất nhiều trận nữa, trên sân Bách Khoa và sân trường GTVT. Đó là chuyện của các năm 1998-1999.

Còn trận đấu đáng nhớ nhất trên sân Ba lít chính là chiến thắng “lịch sử” trước liên quân Anh-Pháp-Nga. Trận đó đá theo thể thức “mỗi bàn thắng 5 nghìn”. Hình như Liên quân dẫn trước 5-0 thì phải, nhưng bên mình cậy dai sức, đá đến 2 giờ thì gỡ hòa 5-5. Sau đó, bên mình bắt đội bạn phải đá đến lúc “xin thua thì thôi”. Trận đấu diễn ra đến giờ thứ 3 thì kết quả là 8-5 nghiêng về đội mình, các trụ cột đội bạn như Kiên Xồm, Nhật Bủn đều lè lưỡi mệt không đá nổi nữa, đành chấm dứt trận đấu. Trận đó mình và Dũng Thụy đứng ngoài, Dũng Thụy làm “ông bầu”, lúc đầu xuất tiền lần lượt từng tờ 5.000 chắc xót ruột lắm, sau anh em thắng, sướng quên cả nhiệm vụ phải đạp xe về quê! Trần Dũng có đá trận này không nhỉ?

Đội mình hồi đó còn thường xuyên lên đá trên sân Đình Hương, cỏ rất dày và đẹp, nhưng chỉ chia đôi ra đá, không dám đá với thanh niên làng, sợ đánh nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét