Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Sắc hoa ban Điện Biên

Hằng năm, cứ vào mùa tháng hai, ba âm lịch, những người yêu văn hoá vùng Tây Bắc lại rục rịch chuẩn bị cho cuộc hành trình ngược về Điện Biên để gặp lại một người bạn thân thiết: Hoa ban.
Nếu đi máy bay, mất khoảng một giờ đồng hồ trên máy bay ATR là bạn đã từ Hà Nội đáp xuống sân bay Điện Biên Phủ. Nhưng những người chăm đi du lịch thường chọn hành trình đường bộ, ngược quốc lộ 6 qua Hoà Bình, Sơn La, vượt qua những địa danh lịch sử: Dốc Cun, Tuần Giáo, Cò Nòi để lên với Điện Biên. Con đường lên Tây Bắc này thuộc loại hiểm trở nhất nước ta, phải những tay lái cứng mới đủ sức chinh phục. Nhưng cảnh vật trên đường thì tuyệt đẹp. Lên đến lưng con đèo Pha Đin quanh co dài 32, nếu đúng mùa hoa, bạn đã gặp bạt ngàn sắc trắng pha tím đẹp mê hoặc của hoa ban.
Hoa ban trắng chỉ mọc nhiều quanh thành phố Điện Biên Phủ và xuôi về hướng đèo Pha Đin. Ở hướng quốc lộ 12 thông về tỉnh Lai Châu mới, lại mọc toàn hoa ban đỏ. Cây hoa ban đã gắn bó với người Thái, H'Mông trên đất Điện Biên bao đời nay. Cứ mỗi mùa hoa nở, đồng bào bắt đầu đi phát nương, và tra hạt khi hoa tàn.
Nếu lên Điện Biên vào cuối mùa hoa ban, bạn sẽ được hưởng không khí tưng bừng của ngày lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên lịch sử (7/5). Lúc đó, những di tích lịch sử quanh thành phố như Đồi A1, Nghĩa trang liệt sỹ đồi A1 và Nghĩa trang đồi Độc lập, tượng đài chiến thắng Điện Biên, bảo tàng chiến thắng, hầm tướng Đờ Cát...đều nườm nượp du khách, trong đó có rất nhiều cựu chiến binh về thăm chiến trường cũ.
Ngược theo con đường "vàng" số 28, dọc theo những triền núi xanh rì cây cối và thấp thoáng cánh hoa ban, bạn sẽ về thăm khu di tích sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, vào tham quan hầm làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng bộ tham mưu. Đã 55 năm qua, nhưng nhân dân địa phương vẫn gìn giữ nguyên vẹn cả một cánh rừng toàn cây cổ thụ, vì từ đó đến nay, rừng đã mang tên Đại tướng mà bà con vô cùng kính trọng.
Cũng không xa thành phố, bạn sẽ được bước chân trên con đường kéo pháo vào trận địa năm xưa mới được tôn tạo. Có đến đây mới hình dung nỗ lực phi thường của chiến sỹ ta năm xưa, khi bí mật kéo pháo vào, kéo ra rồi lại kéo vào để bất ngờ dội bão lửa lên đầu quân Pháp, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lấy năm châu, chấn động đại cầu".
Muốn tìm hiểu phong tục của người Thái Trắng Điện Biên, mời bạn vào bản cùng nhảy một điệu xoè với những cô gái xinh đẹp với trang phục váy đen, áo trắng lấp loá những hàng cúc bướm, để ăn nắm xôi nếp nương thơm dẻo nổi tiếng, bẻ con cá suối nướng chấm muối trộn mắc kén thơm lừng. Để tăng cường sức khoẻ, bạn nên đi vào khu nghỉ dưỡng Hua Pe, U Va; hồ Pa Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ tắm nước khoáng. Còn thời gian, bạn cũng nên thăm những hang động kỳ thú như Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo). 
Nếu có cơ hội, khi trở về Hà Nội bạn nên lên xe ô tô đi dọc men triền sông Đà qua cầu Hang Tôm, theo đường 4D vòng lên Lào Cai qua đèo Hoàng Liên Sơn cheo leo vách núi. Cảnh sắc bên đường này còn này còn tươi đẹp hơn cả bên đường số 6, với những vạt rừng bạt ngàn sắc hoa ban đỏ, hoa mắc cọp. Chuyến đi của bạn sẽ trở thành lịch sử, vì không lâu nữa, khi nhà máy thuỷ điện Sơn La hoàn thành, một đoạn đường ấy sẽ nằm gọn trong lòng hồ sông Đà, như thị xã Lai Châu cũ mà bạn đi qua. 
Một lần đến đã với Điện Biên, vẻ đẹp của những cánh hoa ban cùng nụ cười xinh xắn của cô gái Thái, hương gạo Điện Biên trên cánh đồng Mường Thanh trù phú hay mùi thơm của quả mắc kén... sẽ khiến bạn nhớ mãi. Để rồi mỗi năm tháng ba về, lòng lại thấy nao nao muốn giục bước chân lên đường ngược trở về miền Tây Bắc!
Tiên Long (Tạp chí Phong cách, số 01 2010)

Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

Chuyện vua Nguyễn - chúa Trịnh

Chuyện vua Lê, chúa Trịnh thì mọi người biết rồi, đại loại từ khi chúa Trịnh nắm quyền, thì vua Lê chỉ là bù nhìn, thậm chí đôi khi còn là cái gai trong mắt chúa, nên thỉnh thoảng, lại có vị vua hay thái tử bị chúa lôi ra giết.

Nhưng còn vua Nguyễn với chúa Trịnh thì sao? Vẫn có chuyện ghi lại đấy nhé. Đó là chuyện chép trong Trịnh gia thế phả do trưởng họ Trịnh ở Vĩnh Lộc là Trịnh Cơ vâng lệnh vua đầu nhà Nguyễn là Gia Long, khai báo năm 1802.

Lời mở đầu cuốn gia phả họ Trịnh này viết rằng khi vua Gia Long ra Bắc (1802), ông đã cho gọi tộc trưởng họ Trịnh – Trịnh Cơ – từ xứ Thanh ra Thăng Long và phán bảo rằng: "Họ nhà ngươi và họ ta là hai họ có thâm thù vì tổ họ ngươi đã giết tổ họ ta!".

Trịnh Cơ run rẩy nghĩ rằng mình và họ mình sẽ bị Gia Long “làm cỏ sạch gốc rễ” để trả thù. Nhưng mà không!,Vua Gia Long nói tiếp: "Nhưng họ nhà ngươi và họ ta đã từng là thông gia – thân gia. Ta sẽ lấy tình thân gia mà đối đãi với họ ngươi. Song họ ta ở Nam đã quá lâu, ta chẳng biết rõ gì về họ ngươi cả. Vậy ngươi hãy cung khai về gốc gác họ Trịnh trình cho ta biết!"

Trịnh Cơ mang gia phả cũ ra tham khảo và cứ theo sự thực viết ra (cố GS Hoàng Xuân Hãn rất khen ngợi bản gia phả nhà Trịnh này là trung thực, đã viết rõ gốc gác nghèo hèn và hành xử “xấu xa” của Trịnh Kiểm như ăn cắp gà, giết trộm trâu, ăn cắp ngựa…). Đọc xong Gia phả họ Trịnh, Gia Long đã phê ban cho họ Trịnh 200 mẫu ruộng công để dựng nên Trịnh điện làm nơi thờ tự các chúa Trịnh (nay làng Trịnh Điện bên bờ sông Mã có diện tích đúng 200 mẫu, 1 mẫu Trung bộ = 5.000m2).


Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Vua Hùng vào sử Việt từ khi nào?

Bộ sử đầu tiên của Việt Nam, Đại Việt Sử ký của Giáo sư Lê Văn Hưu soạn, không có chép về các đời vua Hùng, trong khi, xác định tính chính thống của triều nhà Triệu của nước Nam Việt. Ấy thế mà sử sau này bổ sung thêm các vua Hùng và muốn gỡ nhà Triệu ra khỏi sách sử.
Năm 1272 tháng Giêng, Chủ tịch Trần Hoảng ra sắc lệnh yêu cầu Viện sĩ Viện Hàn lâm KHXH Lê Văn Hưu làm Giám đốc dự án chép sử quốc gia. Giáo sư Hưu tuân lệnh, soạn quyển Đại Việt Sử ký, ghi chép từ Chủ tịch Triệu Đà đến nữ Chủ tịch Lý Thiên Hinh, gồm 30 quyển. Như vậy, quyển sử đầu tiên của nước ta đã ghi nhà Triệu vào chính sử, và lúc đó họ Hùng thì nằm ngoài sử sách.
Chủ tịch Hoảng xem bộ sử, lấy làm hài lòng, quyết định thưởng cho Giáo sư Hưu Huân chương lao động hạng nhất. 
Giáo sư Hưu sinh năm 1230, quê ở làng Thần Hậu (tục gọi Kẻ Rỵ), huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1247 (17 tuổi), đã đỗ Tiến sĩ hạng nhì quốc gia. Đây là năm đầu tiên kỳ thi quốc gia lấy các danh hiệu Tiến sĩ hạng Nhất, Nhì, Ba, năm đó, Nguyễn Hiền, mới 12 tuổi, đỗ Tiến sĩ hạng Nhất.
Mới 17 tuổi nhưng ông Hưu vẫn được bổ nhiệm vào Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, rồi thăng lên đến Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Thời kỳ làm Giáo sư tại Viện Hàn lâm, ông là thầy học của Thượng tướng Trần Quang Khải.
Lúc hoàn thành bộ sử, Giáo sư Hưu 42 tuổi. Ông thọ đến 92 tuổi, xứng đáng là bậc quốc sư như Giáo sư Vũ Khiêu sau này vậy.
Thời chủ tịch Lê Lợi vừa nhậm chức, sai Chánh văn phòng là Tiến sĩ Nguyễn Trãi soạn bản Tuyên ngôn độc lập, đã viết: Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phen", vẫn không nhắc gì đến thời Hùng Vương và tiếp tục khẳng định nhà Triệu là khởi thủy nước Việt. Nhưng sách giáo khoa thế kỷ 20, khi giảng về bài Tuyên ngôn độc lập này, chú thích: "Ông Nguyễn Trãi nhầm nhà Triệu là của Việt Nam". Đời sau đi cãi ông đời trước cách 600 năm!
Ảnh minh họa: Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt sử ký toàn thư.
Đến tận năm 1479, Chủ tịch Lê Hạo mới sai Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên chỉnh sửa bổ sung lịch sử nước nhà. Ngô Sĩ Liên là người xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tham gia kháng chiến chống quân Minh. Kháng chiến thành công, năm 1442, ở khoa thi đầu tiên có tổ chức dựng bia Tiến sĩ, ông nhận bằng tiến sĩ, rồi được bổ nhiệm vào Viện sử học, làm đến Phó Viện trưởng, rồi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Hiệu trưởng Đại học quốc gia.
Nhận lệnh từ chủ tịch Hạo, Giáo sư Liên đã bổ sung thêm họ Hồng Bàng với 18 đời Hùng Vương vào sử Việt, đổi tên thành Đại Việt Sử ký Toàn thư (gọi tắt là Toàn thư).
30 năm sau, năm 1511, Chủ tịch Lê Trừu (tức là đồng chí Tương Dực) sai Giáo sư Vũ Quỳnh tiếp tục chỉnh lý, và đổi tên thành Đại Việt Thông Giám Thông Khảo (gọi tắt Thông giám). Vũ Quỳnh quê làng Mộ Trạch thuộc huyện Bình Giang, Hải Dương, vùng quê có rất nhiều danh nhân họ Vũ nổi tiếng. 

Ông Quỳnh lấy bằng tiến sĩ năm 1478, từng làm Bộ trưởng nhiều bộ như bộ Xây dựng, Quốc phòng, Ngoại giao, Hiệu trưởng Đại học quốc gia và Viện trưởng Viện Sử học. Bộ Đại Việt thông giám, do ông Quỳnh biên soạn, chép từ thời Hồng Bàng đến năm đầu tiên của Chủ tịch Lê Lợi, gồm 26 quyển.
Mãi 150 năm sau nữa, Chủ tịch Lê Duy Vũ (tức đồng chí Huyền Tông) lại sai Giáo sư Phạm Công Trứ tiếp tục công trình chỉnh lý, chép thêm việc nước trong 13 năm (1663-1675) của triều đại mình vào, và gọi đó là Đại Việt Sử Ký Tục Biên. Đây cũng là lần tu sửa cuối cùng của thời các chủ tịch họ Lê.
Giáo sư Trứ quê làng Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc thôn Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, đỗ Tiến sĩ năm 1628, từng làm Chánh án Tòa án tỉnh Thanh Hóa, Thị trưởng Hà Nội, Chủ tịch Thanh Hóa, Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện sử học, sau thăng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thủ tướng chính phủ.