Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Núi Nưa

Đọc cuốn sách cũ về Thanh Hóa của PGS Đặng Thị Hạnh (con gái GS Đào Duy Anh) Nghe lại những danh từ từ lâu không nghe. Những “bái” (khu rừng nhỏ), “hón” (cái lạch nước) “thung“ (khu vùng trũng)... (Nhớ thêm một số từ ông mình hay nói: “cái nổ” (cái rãnh nước)).
Tác giả nhắc đến những năm 1990, chương trình dự báo thời tiết, khi đọc đến Thanh Hóa thì chiếu hình núi Nưa. Mình không nhớ hình ảnh này.



Nhưng lại nhớ về núi Nưa. Quê mình ở bên này núi Nưa phần huyện Nông Cống, sườn bên kia sau được cắt ra lập thành huyện Triệu Sơn.
Làng cách chân núi tầm 3km, đi qua cánh đồng, qua một con sông nông giang, đến một cái hồ nhân tạo mà dân làng gọi là “Thùng Eo”, là tới núi.
Gần sát chân núi, có những mảnh ruộng ngập nước, mà các loại rêu, rác nổi lên trên mặt nước, gọi là “Bãi phập phù”. Người lạ bước chân lên mặt thảm này, sẽ bị lún xuống nước. Hồi học sinh, từ lớp 7 đến lớp 11, thường năm nào cũng về quê, thỉnh thoảng cũng leo lên trên núi Nưa chơi, có lúc leo cùng chú Thọ, có lúc leo một mình.
Nhiều lần lên núi bứt lá cây, gánh về vùi xuống gốc rạ dưới ruộng làm phân xanh. Trên núi có những cây trỏ, hình kiểu cây dong, mọi người hay bóc vỏ ăn lõi như ăn mía. Thân cây có vị cay ngọt, ăn vào gây “nghiện”, ngớt mồm là muốn bứt cây khác ăn tiếp. Thấy bảo ăn cây này cũng có tác dụng bù nước trên đường.
Các cụ kể thời chống Mỹ, núi Nưa còn là rừng rậm. Thế mà đến những năm 80, núi đã trọc lốc. Mãi cuối những năm 90, mới cho dân thầu trồng các loại cây công nghiệp như keo. Leo lên sườn núi có một miếu sơn thần ở dưới gốc si, đơn sơ chỉ có bát hương và khay chén chỏng chơ. Năm 94 mình có đi qua, xếp lại chén, ra suối múc nước suông cúng thần, cầu thi đậu đại học.
Đường lên núi có tảng đá tròn, gọi là “hòn đá bánh rán” vì hình giống chiếc bánh. Lên đỉnh núi có tảng đá phẳng, gọi là bàn cờ tiên. Am Tiên thì nằm ở đỉnh núi bên phía Triệu Sơn. Nhìn từ đỉnh núi Nưa sẽ thấy toàn bộ phong cảnh đồng bằng Hoằng Hóa, Quảng Xương, thấy nhà cửa khách sạn ở Sầm Sơn lô nhô bên bờ biển.
Nhớ về Sầm Sơn những năm 80. Thời đó vẫn còn chỉ cho nhau “Biệt thự Bảo Đại” và “Biệt thự Vua Lào”. Không biết hai tòa biệt thự này giờ thuộc sở hữu của ai?
Nghe kể thời những năm 40, Sầm Sơn xây những con đường song song bãi biển, có những tòa biệt thự đẹp thần tiên. Nhưng đến thời tiêu thổ kháng chiến thì phá hết. Giờ không còn hình ảnh gì nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét