Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Hành trình xuyên Việt đường Hồ Chí Minh 18/4/2005

Đồng bọn: Đức Huy (PV ảnh VnMedia), Lê Anh Tuấn (Tuấn LA - PV ảnh Dân trí, trước ở Lao động, sau sang Du lịch, rồi lại về Dân trí...), Lương Ngọc An (Văn nghệ trẻ)

Đồ nghề: - Xe Minsk: 02 con, mỗi xe có 2 bao tải bạt đựng đồ phía sau- Quần áo, quần áo mưa, ủng bạt đi mưa, mũ bảo hiểm cho mỗi người- Máy ảnh số, máy phim, máy ghi âm, sổ mini- Bản đồ giao thông

-Thuốc cơ bản: đau đầu, đau bụng, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, bông băng, miếng dán ego, thuốc sát trùng, cồn (cuối cùng chỉ phải dùng 1 viên thuốc đau đầu và 1 lọ thuốc nhỏ mắt)- Bơm tay (không phải dùng lần nào)

- Đèn pin, dao nhíp, bật lửa- Lều bạt + cọc lều (nhỡ ngủ dọc đường, nhưng cuối cùng không dùng tới)- Thuốc lá Vinataba, cà phê tan Nestcafe.

Khởi hành lúc mưa. A Minh Quang, PTBT Dân Trí (saulà TBT Khoa học và Đời sống và giờ là Kiên thức) bảo "Mưa thế đi cho may mắn".

Chạy dọc đường Láng - Hoà Lạc. Hồi đó, các nhà ở khu Trung Hoà Nhân Chính, nhà Vimeco đang xây.Qua đoạn "Sông Đáy uốn mình quanh Phủ Quốc" thì ngớt mưa. Rẽ sang Xuân Mai hướng đến Miếu Môn. Biết tên địa danh Miếu Môn từ vụ Vũ Như Thành lên đây nhổ cỏ sau nghi án bán độ JVC Cup.Miếu Môn, Km 0 đường HCM hiện đại.

Hết 10km đầu tiên, bắt đầu thử thách: 1 cây cầu đang xây dở, phải vòng tránh khá xa. Sang đến đầu kia, đường vẫn chưa xong. Mặt đường đầy đất đỏ, sau cơn mưa lầy lội vô cùng. Một ao bùn! Lại được quả Mink "gầm cao", khoảng cách giữa chắn bùn và bánh rộng, nên bùn đất bắn tung toé. 4 anh em lấm lem từ đầu đến chân.

Đi 1 đoạn nữa, bùn dày cả tấc, trơn như mỡ. Oạch, oạch, xe đổ liên tục. Cứ đánh vật như vậy 10km, thì đến ngã ba giao với đường 21 (hôm rồi mới biết, đường đò chạy sang Tế Tiêu rồi về chùa Hương).

Phải tránh đoạn đường HCM này thôi. Rẽ sang nga ngã ba Hàng Đồi, ngược QL 12B, đến thị trấn Kim Bôi. Do không biết có đường chạy Kim Bôi - Xuất Hoá (Tân Lạc), nên lạc lên dốc Cun. Đành rẽ Mai Châu, qua Mường Khển, ngã ba Xưa đến Xuất Hoá. Đi vòng mất đến 20km!Từ Xuất Hoá, chạy sang Nho Quan. Giật mình ngạc nhiên khi nhìn thấy biển đều Thị trấn Vụ Bản, vì nhớ đi chợ Viềng, thì thị trấn Vụ Bản là ở Nam Định. Hoá ra Tân Lạc Hoà Bình cũng có thị trấn Vụ Bản. Ăn trưa tại đây khi đồng hồ đã là 14h.

Chạy đường 438 từ Hoà Bình đi Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá).Khổ nhất là đoạn qua rừng Cúc Phương. Đường HCM qua đây đang đắp. Đường làm ở trên cao, các đoạn nối giữa 2 núi làm cầu vượt (để bảo vệ môi trường sống và thuận thiện cho việc di chuyển của động vật trong rừng quốc gia). Nền đường đắp cao như đê, lại đắp bằng đất sét, dưới không có lớp đá nên bánh xe không bám, cứ quay tít. Không thể đi nổi. 1 người cài số 1 rồi dùng chân chống, đạp, 1 người xuống đẩy, cứ thế lê lết 15km. Cứ bò ngược lên đoạn này lại tụt xuống đoạn kia. Rồi từ 1 đỉnh dốc, 2 xe thả trôi xuống rồi mất hút, bỏ lại 2 ông đi bộ lếch thếch lội theo đến 3km. Người đi bộ chân cứ dính chặt xuống đường, lại thêm ba lô nặng trĩu trên lưng, mồ hôi vã ra như tắm.



Xẩm tối vẫn chưa đuổi kịp 2 ông bạn. Mãi đến khi nghe nhạc hiệu "Đây là đài tiếng nói VN" của chương trình thời sự 6h từ chiếc đài trong lán của công nhân làm đường, mới nhìn thấy 2 chiếc Minsk và 2 ông bạn đồng hành đang chờ trên đỉnh dốc. Bò lên đến nơi cũng là lúc chân mỏi rã rời.Hai ông kia cũng không kém. Những bàn tay trái bóp côn liên tục của họ cũng rã rời. Nhưng từ đây, đã thấy đường đá chứ không còn màu đỏ quạch của đất đỏ nữa. Thở phào!Lại được đi trên đường HCM, đoạn này thì đã kẻ sơn, lắp dải phân cách bằng tôn sóng. Thẳng tay ga, về thị trấn Cẩm Thuỷ lúc đã tối. Người, xe, ba lô, mũ, túi đầy bùn đất, trông cả bọn như mới móc từ dưới bùn lên, khiến dân chúng ai cũng ngoái nhìn.

Thuê nhà nghỉ tắm gội thay quần áo, rồi ăn cơm.Hôm rồi ngồi ô tô chạy từ Nghệ An ra, đoạn qua Cúc Phương, xe cứ vun vút trên cao giữa các triền núi. Qua những chiếc cầu cạn năm xưa nay có tên "cầu Cúc Phương 1, 2..." mà nhớ những cảm giác mệt rã rời của chuyến "xe thồ" năm trước.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Núi Nưa

Đọc cuốn sách cũ về Thanh Hóa của PGS Đặng Thị Hạnh (con gái GS Đào Duy Anh) Nghe lại những danh từ từ lâu không nghe. Những “bái” (khu rừng nhỏ), “hón” (cái lạch nước) “thung“ (khu vùng trũng)... (Nhớ thêm một số từ ông mình hay nói: “cái nổ” (cái rãnh nước)).
Tác giả nhắc đến những năm 1990, chương trình dự báo thời tiết, khi đọc đến Thanh Hóa thì chiếu hình núi Nưa. Mình không nhớ hình ảnh này.



Nhưng lại nhớ về núi Nưa. Quê mình ở bên này núi Nưa phần huyện Nông Cống, sườn bên kia sau được cắt ra lập thành huyện Triệu Sơn.
Làng cách chân núi tầm 3km, đi qua cánh đồng, qua một con sông nông giang, đến một cái hồ nhân tạo mà dân làng gọi là “Thùng Eo”, là tới núi.
Gần sát chân núi, có những mảnh ruộng ngập nước, mà các loại rêu, rác nổi lên trên mặt nước, gọi là “Bãi phập phù”. Người lạ bước chân lên mặt thảm này, sẽ bị lún xuống nước. Hồi học sinh, từ lớp 7 đến lớp 11, thường năm nào cũng về quê, thỉnh thoảng cũng leo lên trên núi Nưa chơi, có lúc leo cùng chú Thọ, có lúc leo một mình.
Nhiều lần lên núi bứt lá cây, gánh về vùi xuống gốc rạ dưới ruộng làm phân xanh. Trên núi có những cây trỏ, hình kiểu cây dong, mọi người hay bóc vỏ ăn lõi như ăn mía. Thân cây có vị cay ngọt, ăn vào gây “nghiện”, ngớt mồm là muốn bứt cây khác ăn tiếp. Thấy bảo ăn cây này cũng có tác dụng bù nước trên đường.
Các cụ kể thời chống Mỹ, núi Nưa còn là rừng rậm. Thế mà đến những năm 80, núi đã trọc lốc. Mãi cuối những năm 90, mới cho dân thầu trồng các loại cây công nghiệp như keo. Leo lên sườn núi có một miếu sơn thần ở dưới gốc si, đơn sơ chỉ có bát hương và khay chén chỏng chơ. Năm 94 mình có đi qua, xếp lại chén, ra suối múc nước suông cúng thần, cầu thi đậu đại học.
Đường lên núi có tảng đá tròn, gọi là “hòn đá bánh rán” vì hình giống chiếc bánh. Lên đỉnh núi có tảng đá phẳng, gọi là bàn cờ tiên. Am Tiên thì nằm ở đỉnh núi bên phía Triệu Sơn. Nhìn từ đỉnh núi Nưa sẽ thấy toàn bộ phong cảnh đồng bằng Hoằng Hóa, Quảng Xương, thấy nhà cửa khách sạn ở Sầm Sơn lô nhô bên bờ biển.
Nhớ về Sầm Sơn những năm 80. Thời đó vẫn còn chỉ cho nhau “Biệt thự Bảo Đại” và “Biệt thự Vua Lào”. Không biết hai tòa biệt thự này giờ thuộc sở hữu của ai?
Nghe kể thời những năm 40, Sầm Sơn xây những con đường song song bãi biển, có những tòa biệt thự đẹp thần tiên. Nhưng đến thời tiêu thổ kháng chiến thì phá hết. Giờ không còn hình ảnh gì nữa.