(Lao động Cuối tuần) Trước cách mạng tháng Tám, tên một số đường phố từ Hà Nội hướng ra các tỉnh đều được đặt tên theo địa phương phía cuối đường, như phố Huế (hướng vào Nam), phố Bắc Ninh (Nguyễn Hữu Huân hiện nay, hướng ra phía Bắc), Sơn Tây (hướng về phía Tây).
Đường Bắc Sơn nằm cạnh Nhà Quốc hội, nơi có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Báo Kiến thức. |
Phố Sơn Tây, xưa kia có bến xe đi Sơn Tây, sau đổi thành bến xe Kim Mã. Phố Huế, sau cách mạng tháng Tám, đổi tên thành phố Duy Tân, đến sau giải phóng thủ đô mới đổi lại là phố Huế.
Còn phố Bắc Ninh, thời thuộc Pháp, có một phố mang tên thống chế Pétain, đến năm 1946 mới đổi thành Bắc Ninh để ghi nhớ con đường qua cầu Long Biên hướng sang xứ Kinh Bắc. Sau này phố lần lượt đổi tên từ Phan Thanh Giản và nay, tên chính thức là phố Nguyễn Hữu Huân.
Con phố Tây Sơn, tuy cũng hướng ra ngoại thành, nhưng không được đặt tên theo địa phương hướng đến là Hà Đông. Trước kia, phố có tên Thái Hà ấp và Ngã tư Sở. Từ năm 1964, để kỷ niệm chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung và trận Đống Đa, nơi vẫn còn dấu tích Gò Đống Đa ở đầu phố, phố được đổi tên thành Tây Sơn, địa phương tại tỉnh Bình Định, nơi phát tích phong trào Tây Sơn.
Con đường cái quan từ thành cổ Hà Nội xuôi về Nam, đoạn ngang ga Hàng Cỏ, xưa có tên là phố Hàng Lọng, đoạn từ ô Kim Liên về ngã tư Vọng gọi là đường Quan lộ. Sau ngày thủ đô giải phóng, chính quyền thành phố đổi tên cả hai phố Hàng Lọng và đường Quan lộ (hay Việt Nam đại lộ) thành đường Nam Bộ, để nhớ về một nửa đất nước đang bị chia cắt. Sau khi Tổng bí thư Lê Duẩn mất (1986), đường được đổi tên thành Lê Duẩn, nhưng nhiều người vẫn nhớ cái tên Nam Bộ, như cái tên Bách hóa số 5 Nam Bộ được nhân dân dùng mãi cho đến khi bách hóa được phá đi để xây trung tâm thương mại.
Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim (từ tháng 4 đến tháng 8.1945), bác sĩ Trần Văn Lai, thị trưởng Hà Nội, đã làm nhiều việc có ý nghĩa, như đập bỏ các tượng đài mang dấu ấn thực dân Pháp, đặt tên các đường phố theo tên các danh nhân Việt Nam thay cho tên người Pháp.
Trong đó, Ba Đình, tên ba ngôi làng tại Nga Sơn, Thanh Hóa, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của thủ lĩnh Đinh Công Tráng năm 1886, đã được đặt tên cho quảng trường lớn nhất cạnh Dinh Toàn quyền cũ. Chính tại quảng trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945. Cái tên Ba Đình sau này cũng được đặt cho tên quận trung tâm của Hà Nội.
Cũng trong những năm này, một loạt tên địa danh liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ - Nguyên đã được thị trưởng Trần Văn Lai đặt cho các vườn hoa ở thủ đô, như Vườn hoa Chí Linh (cạnh Bưu điện, nay là tượng đài Lý Thái Tổ), vườn Bình Than ở phố Trần Hưng Đạo (trước bệnh viện 108), vườn Chi Lăng (Canh Nông, nay là công viên Lê Nin).
Vườn hoa cạnh phủ toàn quyền cũ được đổi tên thành vườn hoa Bãi Sậy, tên cuộc khởi nghĩa cuối thế kỷ 19 tại Hưng Yên của thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật. Còn vườn bách thú Hà Nội, lúc đó đã từng được đổi tên là vườn hoa Lam Sơn, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược của Lê Lợi tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Vườn hoa góc Tăng Bạt Hổ gần bệnh viện 108 được đổi tên thành vườn hoa Vụ Quang, kỷ niệm cuộc kháng chiến của nghĩa quân Phan Đình Phùng ở Hương Khê, Hà Tĩnh. Riêng vườn hoa Cửa Nam, qua thời kỳ biến động lịch sử đã từng mang hai tên địa danh lịch sử là Tây Sơn và Bắc Sơn.
Sau cách mạng tháng Tám, nhiều tên đường phố tiếp tục được đặt tên để kỷ niệm các cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Đó là tên tỉnh Yên Bái, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa năm 1930 của các nghĩa quân Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu, được đặt cho con phố ở cạnh phố Huế.
Còn phố Bắc Sơn, tên một huyện của tỉnh Lạng Sơn, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo năm 1940, được đặt cho con đường rất đẹp có vườn hồng cạnh Nhà Quốc hội, cuối đường có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Tên Yên Thế, vùng núi tại Bắc Giang, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, được đặt cho một con ngõ trên phố Nguyễn Thái Học.
Phố Chùa Vua hiện nay, sau Cách mạng tháng 8, đã từng được đặt tên là Tân Trào, để ghi nhớ tên làng nơi diễn ra Quốc dân đại hội đầu tiên, tháng 8.1945. Đến năm 1951, dưới thời thị trưởng Thẩm Hoàng Tín, được đổi thành Chùa Vua đến ngày nay.
Một con đường đi chéo qua góc thành cổ Hà Nội cũ, ngang qua cột cờ và hướng ra quảng trường Ba Đình, trước đây được gọi là phố Cột Cờ, từng nổi tiếng trong câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu “Nhà tôi hai bốn cột cờ, Ai thương thì đến hững hờ thì đi”, đến năm 1970 được đổi tên Điện Biên Phủ, để kỷ niệm chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam đánh tan tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp tháng 5 năm 1954.
Đường Điện Biên Phủ, xưa là đường Cột Cờ. Ảnh: Tin tức. |
Cũng ở khu vực Ba Đình, một con phố nhỏ, nơi tập trung những biệt thự Pháp, được đặt tên là phố Bà Huyện Thanh Quan. Phố không được đặt theo tên người (Nguyễn Thị Hinh) mà theo bút danh của nữ nhà thơ nổi tiếng, có liên quan đến tên địa phương là huyện Thanh Quan, nay là huyện Thái Thụy, Thái Bình, nơi chồng bà làm quan.
Thời thực dân Pháp tạm chiếm Hà Nội (1947-1954), chính quyền Hà Nội đổi tên các phố Tràng Tiền, Hàng Khay và Tràng Thi đổi thành những cái tên... quốc tế hóa, đó là các phố Pháp Quốc, Anh Quốc, Mỹ Quốc. Sau ngày giải phóng, các phố mới trở về tên cũ. Vườn hoa bên cạnh Nhà hát lớn, thời đó cũng được đặt cho cái tên địa danh rất xa là Ba Lê (Paris), sau năm 1954 mới được đổi thành vườn hoa Cổ Tân.
Lê Tiên Long