Chữ Hán (chữ Nho) đã được sử dụng trong các triều đình phong kiến Việt Nam, trong thi cử cũng như trong đời sống nhân dân cả nghìn năm, rồi mất dần vị thế ở đầu thế kỷ 20.
Sức ép từ họng súng
Từ những tiếng súng đầu tiên trên bán đảo Đà Nẵng năm 1858, đến việc chiếm các tỉnh miền Đông Nam Bộ 1862, miền Tây năm 1867, đánh Hà Nội năm 1873, 1882… thực dân Pháp đã dùng mũi súng ép triều đình nhà Nguyễn ký các hiệp ước năm 1883, 1884, áp đặt chế độ bảo hộ lên cả 3 kỳ ở Việt Nam.
Ngay sau khi chiếm được các tỉnh Nam Kỳ, chữ Hán cũng như nền giáo dục Nho học đã bị người Pháp đã khai tử ngay lập tức. Kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam Kỳ được tổ chức năm 1864 ở ba tỉnh miền Tây trước khi bị Pháp chiếm. Từ năm 1878, tại miền Nam, các giấy tờ công văn của các cơ quan hành chính đã được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Chữ Hán chính thức bị xóa bỏ khỏi cuộc sống của người dân.
Ở miền Trung, sau cuộc phản kháng của vua Hàm Nghi năm 1885 bị ghìm dưới họng súng, vua Đồng Khánh được người Pháp đặt lên ngai vàng, quyền lực của triều đình cũng bị tòa Khâm sứ thâu tóm gần hết.
Sự khai tử của một nền khoa cử
Bên cạnh sức ép từ hệ thống bảo hộ, có lẽ chính triều đình nhà Nguyễn cũng nhận thấy nền khoa cử Nho học đã quá lỗi thời, lạc hậu, không đem lại những hiệu quả thực chất trong việc tuyển chọn và đào tạo quan lại nên đã dần dần tiến đến khai tử nó.
Kỳ thi Hương cuối cùng ở miền Bắc là năm 1915 (kỳ thi này đã có phần thi viết luận bằng tiếng Pháp và quốc ngữ), và ở Huế là năm 1918 (đã bổ sung vào chương trình một bài dịch quốc ngữ ra tiếng Pháp, và một bài luận chữ Hán, một bài luận quốc ngữ, một bài luận Pháp văn).
Người ra chỉ dụ bãi bỏ chế độ khoa cử ở Việt Nam là vua Khải Định. Sau khoa thi Hội cuối cùng ngày 1.4.1919, theo quyết định của Khâm sứ Trung kỳ, những người đỗ tiến sĩ, phó bảng tại khoa thi này, tuy vẫn còn giữ được danh hiệu, học vị cũ, nhưng sẽ không có giá trị trong việc bổ nhiệm vào quan trường.
Học chữ Nho không còn là con đường tiến thân
Với quyết định không sử dụng các học vị của chế độ khoa cử Hán học cũ cho việc bổ nhiệm quan chức, những người nuôi mộng “dùi mài kinh sử” để đi thi nhằm kiếm một học vị để kiếm một chức quan hoàn toàn vỡ mộng.
Đây là thời mà nhà thơ, tú tài Trần Tế Xương cảm thấy chán ngán cho cuộc đời “đánh vật” với chữ Nho trên con đường thi cử dài đằng đẵng mà chưa thu được thành tựu, đã cảm thán qua các câu thơ:
Nào có nghĩa gì cái chữ nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm thầy phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò
(Chữ nho)
Hoặc:
Nghe nói khoa này sắp đổi thi
Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!
Dẫu không bia đá còn bia miệng
Vứt bút lông đi, giắt bút chì!
(Đổi thi)
Trong khi đó, nhiều “thầy khóa” thức thời hơn đã chuyển sang học tiếng Pháp hoặc xin vào hệ thống các trường thuộc địa để học lại từ đầu.
Sự lớn mạnh của chữ Quốc ngữ
Trong đời sống, thực dân Pháp đã đưa chữ Pháp và chữ quốc ngữ vào sách báo và mở trường dạy học. Năm 1865 soái phủ Sài Gòn cho ra đời tờ Gia Định báo là tờ công báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Sau đó, tờ báo tư nhân đầu tiên do ông Trương Vĩnh Ký, mang tên Thông loại khóa trình, xuất bản lần đầu năm 1888, cũng được in bằng chữ quốc ngữ.
Tờ báo kinh tế đầu tiên, Nông cổ mín đàm, do ông chủ người đảo Corse thuộc Pháp Paul Canavaggio xuất bản năm 1901, cũng như các tờ báo khác như Phan Yên báo, Lục tỉnh tân văn... đều dùng chữ quốc ngữ, chứng tỏ sự phổ cập và tính hữu ích của chữ quốc ngữ tại vùng Nam kỳ thời gian đó.
Qua các tờ báo đầu tiên ở Nam kỳ, có thể thấy chữ quốc ngữ vào giai đoạn này đã phát triển đến trình độ có thể sử dụng để diễn tả được gần như tất cả mọi ý niệm cũng như mọi hình thức văn chương. Các loại sách, truyện cũng đã được dịch và in bằng chữ quốc ngữ từ những năm đầu thế kỷ 20.
Trong triều đình Huế, từ năm 1932 cũng đã hoàn toàn bỏ hẳn việc dùng chữ Hán và thay thế bằng chữ Pháp hay chữ quốc ngữ cho việc ban hành các chỉ, dụ... của nhà vua.
Học chữ Pháp nuôi được thân và làm quan
Theo chân đoàn quân viễn chinh Pháp, một nhu cầu cấp thiết là đào tạo nghề phiên dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Trường đào tạo thông ngôn đầu tiên được thành lập năm 1861 tại Sài Gòn, mang tên trường Collège d’Adran (tên vị Giám mục mà người Việt phiên âm là Bá Đa Lộc) để đào tạo thông ngôn người Việt và cho cả người Pháp muốn học tiếng Việt. Sau đó, Trường Thông ngôn (Collège des Interprètes) chính thức được thiết lập ở Sài Gòn năm 1864, ở Hà Nội năm 1905.
Học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả bộ sách Cổ học tinh hoa, chính người đã tốt nghiệp trường Thông ngôn ở Hà Nội, sau đó dạy các trường trung học Bưởi, Sỹ hoạn…
Bên cạnh đó, để đào tạo quan lại dùng trong chính quyền Nam triều thay thế hệ thống khoa cử, thực dân Pháp đã thiết lập các Trường Hậu bổ (chuẩn bị bổ ra làm quan - Apprenti Mandarin) ở Hà Nội (sau đổi tên là trường Sỹ hoạn - Ecole des Mandarins) năm 1897 và ở Huế năm 1911. Trường tuyển chọn con của các quan lại trung cao cấp vào học, chương trình học vẫn có phần đào tạo chữ Hán, dạy quốc ngữ, nhưng chủ yếu bằng tiếng Pháp. Trường đã đào tạo ra nhiều quan lại nổi tiếng.
Chí sĩ Phan Châu Trinh, sau khi đỗ phó bảng năm 1901, đến năm 1902 vào học trường Hậu bổ trước khi được bổ nhiệm làm quan tại Bộ Lễ. Thượng thư Bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, sau khi đỗ cử nhân năm 1906, cũng vào học trường Hậu bổ Hà Nội năm 1907, tốt nghiệp năm 1910, được bổ làm tri huyện. Thượng thư Bộ Hộ Hồ Đắc Khải, đỗ cử nhân năm 1915, cũng vào học trường Hậu bổ rồi được bổ nhiệm làm tri huyện, sau thăng đến Tổng đốc.
Đây là những bước đầu trong việc thiết lập một nền đào tạo quan lại kiểu mới của Pháp.
Nhà thơ Tản Đà đã cố thi vào trường Hậu bổ hai lần nhưng hỏng thi nên đã làm bài thơ thất ngôn bát cú than thở như sau:
Mỗi năm Hậu-bổ một lần thi
Năm ngoái, năm xưa tớ cũng đi
Cử, tú, ấm-sinh vài chục kẻ
Tây, Ta, Quốc-ngữ bốn năm kỳ.
Đĩa nghiên, lọ mực, bìa bao sách
Thước kẻ, đanh ghim, ngọn bút chì.
Lại đến O-ran là bước khó (Oral: thi vấn đáp)
Mình ơi, ta bảo: “Có thi thì...”
Sau Khoa thi Hương cuối năm 1918, chính quyền Pháp cũng tiến hành cải cách hai trường Hậu bổ, thay thế hai trường này bằng Trường Pháp chính Đông Dương (École de Droit et d’Administration). Sau năm đó, cả Bắc và Trung Kỳ hoàn toàn theo ngạch Tây để tuyển công chức làm nhân viên
hành chính.
Chữ Pháp và quốc ngữ được đào tạo rộng rãi
Nòng cốt cho việc tuyên truyền và áp đặt văn hóa chính là hệ thống giáo dục phổ thông. Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ, Pháp đã thiết lập các trường để làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục phổ thông như trung học Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho (1879) trường Quốc học Huế (1896), trường Trung học Bảo hộ (Collège du Protectorat) tức trường Bưởi Hà Nội (1908, nay là trường trung học Chu Văn An).
Trước tiên ba trường này khi mới mở chỉ có bậc tiểu học, mấy chục năm sau mới giảng dạy đến các bậc cao hơn. Hệ thống giáo dục tiểu học được mở rộng khắp nơi vào cuối thế kỷ 19. Các trường vẫn còn đào tạo chữ Hán, nhưng chương trình chính hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Như học giả Trần Trọng Kim được học tại tiểu học Pháp - Việt ở Nam Định từ năm 1897, trước khi thi vào trường Thông ngôn năm 1900. Học giả Phạm Quỳnh cũng học trường Bưởi, trước khi vào làm tại Viện Viễn Đông bác cổ năm 1908.
Từ 1910 đến 1930 hệ thống giáo dục thuộc địa đã hình thành có tính cách hệ thống. Từ 1930 đến 1945 là thời kỳ tổ chức hệ thống giáo dục cho người bản xứ của Pháp ở Việt Nam đã được hoàn chỉnh.
Đến năm 1945, nhân sự kiện Nhật lật đổ Pháp, vua Bảo Đại giao cho nhà giáo Trần Trọng Kim thành lập chính phủ, với Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật là Thạc sĩ Toán học Hoàng Xuân Hãn. Bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn đã ban hành chương trình giáo dục bằng chữ quốc ngữ trên toàn quốc. Sau cuộc cách mạng tháng Tám, chính sách phổ cập giáo dục bằng tiếng Việt tiếp tục được chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và CHXHCN Việt Nam duy trì cho đến ngày nay.
Như vậy, sau sức ép của súng trường, đại bác hồi thế kỷ 18, những sức ép về văn hóa và nhu cầu từ chính cuộc sống của người dân trong thời gian đầu thế kỷ 20 cho đến những năm 1930, đã khiến những dấu ấn cuối cùng của nền văn hóa chữ Nho tại Việt Nam đã dần tàn lụi và đi vào quá khứ.
Tuy nhiên, với một nền văn hóa tồn tại trên một nghìn năm, những dấu ấn bằng chữ Hán được lưu giữ lại trên đất nước Việt Nam là vô cùng đồ sộ. Dù trải qua hàng trăm năm biến động của lịch sử với những cuộc chiến tranh tàn khốc, nhưng những di sản của nền văn hóa ấy còn để lại khắp nơi, và nếu không có vốn kiến thức chữ Nho đủ sâu rộng, sẽ không thể nào hiểu và khai thác hết được.
Lê Tiên Long
(Lao động 7/2017)